Nga tuyên bố “khóa van gas” vô thời hạn
Ngày 5/3 vừa qua, hãng tin RT (Nga) đã đưa ra một thông báo: “Đường ống Yamal – Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây. Điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn“. Nguồn tin còn nhấn mạnh: “Vật giá ở một số quốc gia châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga”.
Đây là một trong những động thái mà Liên minh Châu Âu cho rằng Nga thực hiện nhằm trả đũa lại các biện pháp chống lại nước này. Trước đó vài ngày, bất chấp sự phản đối cả từ phía của Hoa Kỳ, Berlin vẫn quyết định dừng dự án Nord Stream 2 – được xây dựng để đưa khí đốt của Nga đến Châu Âu, khi Mátxcơva tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Kể từ ngày 21/2, giá xăng ở Liên minh châu Âu đã tăng hơn 70%. Tại Vương Quốc Anh, mặc dù Nga chỉ cung cấp khoảng 5% nguồn cung khí đốt cho nước này, tuy nhiên, giá cả ở Anh cũng tăng đáng kể do ảnh hưởng của việc thiếu hụt nguồn cung ở các nơi khác ở châu Âu.
Tương lai của Châu Âu còn phụ thuộc vào khí đốt Nga tới mức nào?
Hầu hết khí đốt tự nhiên của EU chỉ đến từ ba nhà cung cấp chính – Nga, Na Uy và Algeria. Chiếm khoảng 30-40% tổng lượng khí đốt của EU nhập khẩu, từ những năm 2005 cho đến nay, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho lục địa này. Càng đi xa về khu vực phía đông châu Âu, sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga càng lớn.
Trên thực tế, nhu cầu năng lượng không co giãn theo giá đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển cao. Bởi nếu đứng giữa lựa chọn của một ngôi nhà tối tăm lạnh lẽo hoặc phải trả giá cắt cổ, người châu Âu vẫn sẽ chọn đáp án thứ hai. Vì vậy, nếu không có những nỗ lực phối hợp nghiêm túc từ phía các quốc gia EU và Mátxcơva, Nga sẽ có ưu thế trong mối quan hệ này.
Mặt khác, chính sách năng lượng hiện tại của EU đang hướng tới các mục tiêu về năng lượng tái tạo, tiết kiệm và giảm phát thải, nhưng chính sách này lại không nhận ra một rủi ro lớn, đó là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn khí tự nhiên của Nga. Thêm vào đó, với kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân ở một số nước châu Âu, mục tiêu của EU là giảm tiêu thụ than do đó giảm phát thải khí nhà kính, và việc cạn kiệt nguồn khí đốt dự trữ trong khu vực, sự phụ thuộc vào Nga sẽ còn tăng lên 50-60% tổng lượng khí đốt nhập khẩu trong khu vực trong vòng hai thập kỷ tới nếu các chính sách năng lượng khác không được nhanh chóng đưa ra. EU và cả châu Âu sẽ sớm thấy mình ở một vị trí cực kỳ nguy hiểm do sự phụ thuộc ngày càng tăng vào khí đốt tự nhiên của Nga. Các quốc gia này phải làm việc cùng nhau ngay bây giờ để đưa ra một chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng một cách nhất quán.
Mai Phạm
Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều quốc gia