Xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng tốc vào những tháng tới nhưng cơ hội không tự đến. Doanh nghiệp cần bám sát nhu cầu thị trường để chuẩn bị nguồn hàng, đẩy mạnh chế biến, tìm thị trường mới, nâng cao tỷ trọng tại thị trường tiềm năng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2020 đạt 629 triệu USD, tăng 25,5% so với tháng 2 nhưng giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế quý I đạt 1,614 tỷ USD, giảm 9,73%.
Xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh
Xuất khẩu thủy sản tháng 3 cải thiện so với 2 tháng đầu năm nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc dần phục hồi.
Trong 15 ngày cuối tháng 3, xuất khẩu thuỷ sản đã phục hồi đáng kể khi tăng 29,3% so với 15 ngày đầu tháng và chỉ giảm 1,36% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm từ 1,2% trong 2 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,8% trong 3 tháng đầu năm 2020.
Nhìn chung, quý I/2020, xuất khẩu thủy sản giảm do xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và EU giảm, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng nhưng mức tăng thấp. Trong quý I/2020, Canada và Nga là 2 thị trường có mức tăng trưởng khả quan nhất so với cùng kỳ năm 2019, tăng lần lượt 10,1% và 22%.
Tuy vậy, viễn cảnh tươi sáng của ngành thủy sản đang xuất hiện. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) dự báo: Trong những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cá tra và các sản phẩm thủy sản khác có thể sẽ ổn định lại như các năm trước. Đặc biệt, phân khúc thủy sản đóng hộp, đối với cá ngừ vằn, cá ngừ sọc – sản lượng trên 200.000 tấn/năm, đang có nhu cầu rất lớn để phục vụ hệ thống siêu thị ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Riêng với thị trường EU, sau dịch bệnh, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu do có lợi thế ưu đãi về thuế từ Hiệp định EVFTA, cạnh tranh hơn sản phẩm của Ấn Độ, Thái Lan.
Với mặt hàng tôm, một số nước trên thế giới là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam do chịu tác động của dịch Covid-19 như Ấn Độ, Ecuador nên sản lượng giảm mạnh. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nay, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Những sản phẩm như cá tra, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mỗi tháng có trên 500 container hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Vasep dự báo quý II/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019. Với thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Đẩy mạnh chế biến, tìm thị trường mới
Tuy vậy, cơ hội không tự đến với ngành thủy sản Việt Nam. Ông Trần Đình Luân cho rằng trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản phải bám sát sản xuất để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn về tình hình dịch bệnh, thời tiết và chỉ đạo các địa phương tăng cường liên kết sản xuất từ người dân đến doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất – thu mua – chế biến và tiêu thụ sản phẩm để cân đối cung – cầu.
Theo kế hoạch của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ngay sau khi thông báo kết thúc giãn cách xã hội, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị cùng các địa phương, trước mắt tập trung vào các đối tượng chủ lực: tôm, cá tra và khai thác thủy sản.
Ông Luân khẳng định: Mục tiêu là giữa Bộ và các địa phương có một kế hoạch, phương án sản xuất tốt nhất để cho bà con ngư dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đặc biệt là tận dụng được thị trường không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thủy sản dùng ở nhà như: sản phẩm đông lạnh, đóng hộp và đồ khô để bảo quản được trong thời gian dài. Các sản phẩm chế biến sẵn, sơ chế phù hợp cho chế biến ở nhà và sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình, thấp sẽ được lựa chọn nhiều hơn, trong khi các sản phẩm thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng sẽ giảm mạnh. Xu hướng này sẽ còn kéo dài ở hầu hết các thị trường, kể cả sau khi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đây là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần phải tìm thêm thị trường mới, nâng cao tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường tiềm năng. Cục Xuất Nhập khẩu dẫn chứng Na Uy là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới nhưng cũng nhập khẩu thủy sản cho tiêu dùng nội địa. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), từ năm 2015-2019, nhập khẩu thủy sản của Na Uy đã tăng từ 535 triệu USD lên 619 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu thuỷ sản của Na Uy đạt 168,8 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị phần thuỷ sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Na Uy liên tục tăng trong 5 năm vừa qua, nhưng vẫn ở mức thấp, từ mức 3,3% trong năm 2015 lên 5,5% trong năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu thuỷ sản của Na Uy từ Việt Nam đạt 5,6 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: Thời báo kinh doanh