Các doanh nghiệp Hoa Kỳ liên tục yêu cầu Washington không áp mức thuế cao đối với hàng hóa từ Việt Nam tương tự như những mức thuế mà Hoa Kỳ đã đánh vào hàng “Made in China”.
Động thái này xảy ra sau khi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (US Treasury) cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”, sau khi Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR – US Trade Representative) tiến hành và công bố báo cáo của hai cuộc điều tra liên quan đến các chính sách tiền tệ, ngoại hối và ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam.
Các cuộc điều tra của USTR áp dụng cơ chế tương tự như đã từng dùng để khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Do đó, nhiều doanh nghiệp thể hiện sự e ngại rằng một cuộc chiến mới sắp diễn ra với Việt Nam.
Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ – NR (trụ sở đặt tại Washington) cho biết Việt Nam đang trở thành một nhân tố trọng yếu trong chiến dịch chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông David French, phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ của NRF khẳng định mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung không chỉ tiếp tục mà còn mở rộng hơn nữa, đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch.
“Khi các công ty đang vật lộn với những thách thức kinh tế do dịch Covid-19, những mức thuế mới áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ, và cũng đồng thời khiến người tiêu dùng trong nước phải chịu giá mua cao hơn.” – theo ông French.
Theo NRF, ước tính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu thêm 4 tỷ đến 9 tỷ đô nếu các mức thuế đối với hàng “made in Việt Nam” chính thức được thực thi.
“Nhiều doanh nghiệp đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam sau cuộc chiến tranh thương mại. Việc chính phủ áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam chẳng khác gì giáng một hình phạt nghiêm trọng lên các công ty đó, và rồi họ lại phải lựa chọn chuyển dịch chuỗi cung ứng trở lại Trung Quốc.”
Thực tế, việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một trong những yếu tố thúc đẩy sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt đến mức kỷ lục mới trong những năm vừa qua. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong tháng 10/2020 đã tăng vọt 180% so với cùng kỳ năm 2016, trước khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra (theo SCMP).
Thêm vào đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan , tính từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gần 25%, lên đến 69 tỷ đô.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ rằng Việt Nam cũng đã trở thành một trong những đối tắc xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Mỹ, với nhiều cơ hội vàng trong các lĩnh vực: nông nghiệp, chế tạo máy bay, năng lượng, máy móc và công nghệ.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, cho biết: “Việc thao túng tiền tệ hay không chưa từng là vấn đề quan ngại của các thành viên hiệp hội. Bất cứ động thái nào trong những ngày cuối của chính phủ Trump nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt nam có thể hủy hoại mối quan hệ đối tác gần gũi từ trước đến nay giữa hai nước.”
Ông cũng khẳng định vấn đề về thâm hụt thương mại đối với Mỹ chủ yếu xuất phát từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp, chứ không phải do “thao túng tiền tệ” hay bất cứ lý do tương tự nào.
“Các chuyên gia đều đồng thuận về sự bất đối xứng trong hoạt động thương mại song phương giữa hai quốc gia, và chúng tôi đề xuất chính phủ Việt Nam nhìn nhận và có những biện pháp hợp lý để cải thiện sự bất cân đối thương mại này. Thông qua việc mở rộng thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ Mỹ, Việt Nam có thể giảm thặng dự thương mại đang ngày càng tăng với Mỹ, để đảm bảo có lợi cho đôi bên.”
Biên dịch: Dandelion