Hiệu ứng Bullwhip là gì?
Hiệu ứng Bullwhip – hiệu ứng cái roi da là hiện tượng thông tin về nhu cầu thị trường cho một sản phẩm bị biến dạng khi đi qua chủ thể trong chuỗi cung ứng, dẫn đến sự dư thừa tồn kho, ảnh hưởng đến chính sách giá và tạo ra phản ánh không chính xác trong nhu cầu thị trường.
Ví dụ:
Một nhà bán lẻ bán trung bình 10 cây kem mỗi ngày. Mùa hè, doanh số bán hàng tăng lên 30 chiếc/ngày và quyết định đặt hàng nhà bán buôn 40 chiếc/ngày (10 chiếc dự phòng).
Người bán buôn cũng có tâm thế dự phòng tương tự nên thay vì đặt sản xuất 40 chiếc, lại đặt đến 60 chiếc.
Tương tự, nhà sản xuất quyết định sản xuất 80 chiếc/ngày. Rõ ràng, qua nhiều chủ thể, nhu cầu thực tế cần thiết đã bị phóng đại lên nhiều lần, tạo làn sóng về nhu cầu ảo và dư thừa gây lãng phí. Hiện tượng này được gọi là Bullwhip, được phát hiện đầu tiên bởi tiến sĩ Ray Forrester vào năm 1961.
Tác động của hiệu ứng Bullwhip đến chuỗi cung ứng
Hiệu ứng Bullwhip gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng và doanh nghiệp
- Tăng chi phí: hiệu ứng Bullwhip sẽ làm cho lượng sản phẩm dư thừa quá lớn, dẫn đến lượng tồn kho quá nhiều, chi phí bảo quản và xử lý hàng tồn kho tăng mạnh. Hơn nữa, hàng hoá còn đối mặt với việc hư hỏng do nằm trong kho quá lâu.
- Đình trệ trong sản xuất và lưu thông: sản xuất dư thừa sẽ gây khó khăn cho tất cả các chủ thể trong việc tiêu thụ, đảm bảo chất lượng, làm trì trệ quá trình lưu thông và sản xuất, vốn đầu tư không thể xoay vòng, v.v.
- Giảm lợi thế cạnh tranh: xuất phát từ việc hiệu ứng bullwhip khiến chi phí tăng, doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để bù lại, từ đó làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường.
Nguyên nhân của hiệu ứng Bullwhip
Lý do cối lõi phía sau hiện tượng biến dạng nhu cầu được cho là sự không hoàn hảo về thông tin nhận được giữa các chủ thể của chuỗi cung ứng. Những biểu hiện của chúng trong thực tế như sau:
- Cách thức cập nhật dự báo nhu cầu
Mỗi chủ thể trong chuỗi cung ứng thường đưa ra dự báo nhu cầu, làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch vận hành. Dự báo thường dựa trên các dữ liệu về nhu cầu trong quá khứ của các khách hàng trực tiếp.
Ví dụ, dựa trên dữ liệu tổng hợp các đơn hàng từ nhà bán lẻ, nhà bán buôn sẽ thực hiện dự báo và đưa ra số liệu cho tương lai. Chính bản chất của việc này đã thể hiện sự thiếu tính đa chiều khi chỉ sử dụng số liệu của khách hàng trực tiếp mà không có cái nhìn bao quát toàn thị trường
Đây chính là một trong những yếu tố chủ chốt gây ra hiệu ứng Bullwhip.
- Dung lượng đơn hàng theo quy mô
Một trong những cách phổ biến mà các doanh nghiệp sử dụng để đạt được lợi thế theo quy mô là gom các đơn đặt hàng nhỏ lẻ thành một đơn hàng lớn với nhà sản xuất (cốt lõi là mô hình EOQ).
Do đó, nhiều trường hợp dẫn đến sự lầm tưởng rằng nhu cầu thực tế đang tăng mạnh.
Từ năm 2004, Holland và Sodhi đã nghiên cứu mô hình chuỗi cung ứng hai cấp gồm nhà bán lẻ và nhà sản xuất trong đó nhà bán lẻ buộc phải đặt hàng theo bội số nguyên của quy mô lô (ví dụ: đối với số lượng đặt hàng là 50 đơn vị, quy mô lô phải là 1, 2, 5, 10 , 25 hoặc 50). Họ nhận thấy hiệu ứng bullwhip trên mỗi cấp độ của chuỗi cung ứng tỉ lệ thuận với bình phương của quy mô lô.
- Sự biến động về giá cả
Nhiều chương trình khuyến mãi như chiết khấu, giảm giá, v.v. được áp dụng để thúc đẩy và kích thích doanh số bán hàng và tất nhiên chúng đều dẫn tới sự biến động giá cả. Điều này kích thích khách hàng mua nhiều hơn, với số lượng lớn hơn, nhưng lại khiến nhận thức về nhu cầu thực tế có phần sai lệch. Vậy là hiệu ứng Bullwhip lại xuất hiện.
- Trò chơi phản ứng lại sự hạn chế và thiếu hụt
Khi nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp, nhà cung ứng sẽ phân bổ tỷ lệ theo số lượng đã đặt hàng. Giả sử thị trường đang ở thời điểm mà lượng cung chỉ đáp ứng được 50% lượng cầu. Do đó, nhà cung cấp chỉ có thể bán cho các khách hàng của mình một nửa số hàng hóa mà họ yêu cầu.
Nắm bắt được điều đó, nhiều khách hàng cố tình đặt nhiều gấp đôi (200%) lượng hàng hóa cần thiết. Cuối cùng, khi nhu cầu đã nguội, đồng thời khả năng sản xuất tăng lên thì đơn hàng lại bất ngờ bị hủy bỏ hoặc giảm xuống, dẫn đến sản xuất dư thừa và các nhà máy phải ngừng sản xuất.
Vào những năm 1980, hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến. Nhiều lần ngành công nghiệp máy tính rơi vào tình trạng thiếu hụt DRAM. Đơn hàng tăng vọt nhưng là do khách hàng đặt hàng gấp đôi với nhiều nhà cung cấp khác nhau và sẽ chính thức mua từ nhà cung cấp có thể giao được hàng đầu tiên, sau đó hủy bỏ các đơn hàng trùng lặp còn lại. Điều này gây hại nghiêm trọng đến các nhà cung ứng khác và nói rộng hơn là tổng thể chuỗi cung ứng.
Cách khắc phục
- Chấp nhận sự tồn tại của nó
Bước đầu tiên và quan trọng nhất để cải thiện tình hình chính là chấp nhận ra sự hiện diện của hiệu ứng này. Nhiều công ty không thừa nhận rằng đôi lúc họ đã sai lầm và rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng bullwhip. Vì thế, hãy khách quan nhìn nhận tình hình và đưa ra những giải pháp phù hợp nhất với tình hình.
- Phối hợp giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng
Như đã đề cập ở trên, hiệu ứng bullwhip xảy ra do việc thiếu phối hợp giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng do đâu đó vẫn tồn tại những mục tiêu mâu thuẫn lẫn nhau. Hệ quả là việc thông tin không được cập nhật theo thời gian thực và giảm hiệu quả kênh phân phối. Và rõ ràng, cố gắng để hợp tác và chia sẻ với nhau sẽ là cách thức tối ưu nhất ở hiện tại.
Tuy nhiên, để cùng nhau phát triển bền vững, các chủ thể cần hiểu rằng, lợi ích chung của toàn chuỗi chính là lợi ích của chính mình xét về lâu dài. Nhưng để làm được việc đó, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn bởi không phải ai cũng sẵn sàng hi sinh lợi ích trước mắt để hướng tới mục tiêu lâu dài.
- Tối ưu hóa các chủ thể trong chuỗi cung ứng
Việc giảm thiểu số lượng nhà cung cấp cũng như giảm các chủ thể trung gian trong chuỗi cung ứng có thể giúp hạn chế được tác động của hiệu ứng Bullwhip. Bởi một chuỗi cung ứng càng đơn giản thì việc truyền đạt thông tin giữa các chủ thể càng dễ dàng và sẽ làm giảm đi sự phóng đại của thông tin.
- Giảm kích thước đơn hàng và đặt hàng thường xuyên hơn
Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp phản ứng với hoạt động của thị trường một cách linh hoạt. Khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp cần có khả năng điều chỉnh lượng hàng của mình một cách nhanh chóng bằng cách đặt các lô hàng nhỏ và thường xuyên hơn.
- Duy trì mức giá ổn định cho sản phẩm
Mức giá ổn định sẽ góp phần lớn để giữ một nhu cầu ổn định. Điều này sẽ hạn chế được những biến động trong thông tin về nhu cầu giữa các chủ thể. Do đó, tác động từ hiệu ứng bullwhip sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
Phan Quyên
Đọc thêm: