Hàng ngàn xe chở hàng hóa mắc kẹt tại cửa khẩu phía Bắc
Theo ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, trung bình mỗi ngày có trên 3.000 container mắc kẹt tại các cửa khẩu của tỉnh này. Trong đó, các container này chủ yếu là các xe chở hàng nông sản và trái cây.
Cũng tại Lạng Sơn, tính đến ngày 10/12, có 4000 xe chở hàng hóa và nông sản đang đợi đến lượt thông quan tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính riêng tại cửa khẩu Chi Ma, lưu lượng phương tiện vận tải chờ ở khu vực này đã lên tới 730 xe.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, năng lực thông quan tại 3 cửa khẩu ở Lạng Sơn đã dừng ở mức khoảng 220 xe/ngày, giảm 50% so với trước đây. Tổng công suất thông quan trung bình chỉ đạt 500 xe/ngày.
Ngoài Lạng Sơn, cửa khẩu Móng Cái tại Quảng Ninh cũng gặp tình trạng tương tự khi có tới 800 xe thủy sản đông lạnh (cá basa, tôm đông lạnh, v.v.) và 300 container trái cây, rau củ đang tồn đọng.
Giải pháp giải quyết khó khăn
Đối với các vùng chuyên xuất khẩu hàng hóa và nông sản như Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần kịp thời cập nhật thông tin từ các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, v.v để doanh nghiệp điều tiết luồng hàng và tránh tình trạng ùn ứ khi đưa lên cửa khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giao dịch có hợp đồng, khai thác cơ hội Trung Quốc sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang của Việt Nam để giảm rủi ro khi thông quan qua các cửa khẩu khu vực phía Bắc.
Cùng với đó, các doanh nghiệp và địa phương cũng nên tập trung nhiều vào công tác chế biến, bảo quản nông sản. Điều này giúp các doanh nghiệp tránh được việc nông sản bị hư hỏng, tránh tình trạng bị ép giá, lãng phí các chi phí logistics, bảo quản, bến bãi, vận chuyển dọc đường, v.v.
Theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đưa ra quan điểm rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên hạn chế xuất khẩu đường bộ, thay vào đó chuyển sang đi đường biển hoặc tìm đơn hàng tại các thị trường khác ngoài Trung Quốc như Singapore, Dubai, Ấn Độ, Malaysia, v.v.
Huyền Tú