Thị phần hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ tăng
Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 4 trên thị trường thế giới sau Trung Quốc, EU và Bangladesh. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2020 và tương đương so với cùng kỳ 2019.
Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết lũy kế 9 tháng, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ, chiếm đến 45-50% giá trị xuất khẩu.
Kể từ năm 2016 đến nay, Việt Nam chiếm 15-19% thị phần nhập khẩu hàng may mặc vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu xơ, sợi đạt hơn 25 triệu USD, tăng mạnh gấp đôi so với cùng kỳ trong khi hàng may mặc không biến động nhiều, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may sang khối CPTPP giảm nhẹ, đạt gần 3,4 tỷ USD do giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản, khách hàng lớn nhất trong khối giảm 12%.
VCBS đánh giá ngành dệt may vẫn tăng trưởng tốt dù nhiều tháng chịu tác động của dịch COVID-19.
Việt Nam trở thành điểm đến cung ứng được nhiều nhà nhập khẩu lựa chọn
Mới đây Ourworld In Data cập nhật tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng, 68% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi, cao thứ 19 trên thế giới, sau 4 tháng tăng tốc chích ngừa vắc-xin COVID-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng đến quy trình sản xuất “xanh” trong nhà máy và sản xuất sợi bông, sợi tái chế.
Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các đơn hàng của các đối tác lớn đang quan tâm đến vấn đề bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu như H&M, Uniqlo, Nike, Adidas, .v.v
Những yếu tố thuận lợi nêu trên cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của ngành dệt may tăng trưởng “thần tốc”.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu cả ngành đạt hơn 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ mặc dù trải qua hơn 4 tháng phong tỏa nặng nề trong các tỉnh phía Nam. Lợi nhuận trước thuế các công ty dệt may niêm yết đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5 lần cùng kỳ, vượt trội so với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành.
Việc công ty cân đối được nguồn nguyên liệu, đồng thời giá bán mảng sợi tăng đột biến giúp các công ty mở rộng biên lợi nhuận.
VCBS nhận định thị trường Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ. Do đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể đạt 38,5 tỷ USD và cơ hội cho ngành dệt may đang khá rộng mở trong năm 2022.
Vân Anh
ĐỌC THÊM:
Việt Nam: Nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ hai thế giới