Một bản phân tích gần đây cho biết lần đầu tiên năng lượng tái tạo nắm giữ một khoản lớn trong tổng vốn đầu tư vào năng lượng thuộc sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Chính đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh xu hướng giảm thiểu sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels), và tăng cường phát triển các nguồn cung năng lượng “xanh”.
Cụ thể, 11 tỷ đô la Mỹ đã được Trung Quốc đầu tư vào nhóm năng lượng gió, mặt trời và nước – chiếm 57% vào năm 2020. Con số này đã chứng kiến sự tăng vọt tương đương 38% so với năm 2019 (Theo nghiên cứu thực hiện bởi Viện Tài chính xanh quốc tế (IIGF) của Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc).
Tuy nhiên, viện nghiên cứu này cũng cho biết số vốn đầu tư vào than đá vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng 20 tỷ đô đầu tư vào năng lượng của Trung Quốc, đồng thời chứng kiến mức tăng từ 15% vào năm 2018 lên đến 27% năm 2020.
Trong khi nguồn đầu tư “xanh” đang chạm đến một mốc kỷ lục mới, số vốn FDI mà Trung Quốc đầu tư cho dự án “Vành đai, Con đường” lại đang giảm sút từ năm 2015. Năm ngoái, cũng theo báo cáo phân tích của IIGF, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” đã giảm nhanh hơn so với các dòng vốn toàn cầu chảy vào những nền kinh tế đang phát triển. Cụ thể, tỷ lệ giảm tương đương 54% so với năm trước đó, xuống còn 47 tỷ đô la Mỹ.
Giám đốc Trung tâm sáng kiến “Vành đai, Con đường” thuộc IIGF, ông Christoph Nedopil Wang, cho rằng sự dịch chuyển của Trung Quốc sang các năng lượng tái tạo xuất phát từ việc những nhà đầu tư và các quốc gia tham gia vào dự án đang dần công nhận các rủi ro nghiêm trọng về môi trường và tài chính của hoạt động sản xuất nguồn năng lượng chứa nhiều CO2.
“Tuy vậy, nhu cầu đối với các nguồn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn duy trì một mức lớn… bởi vì rất nhiều nguyên nhân, như than đá được xem là một nguồn năng lượng “rẻ” và có sẵn ở nhiều nơi.”
Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng nước vẫn còn khiến nhiều người nghi ngờ về mức độ “bền vững” của nó. Mặc cho những đập nước không thải ra khí CO2, nhưng chúng lại gây ra nguy cơ lũ lụt, sạt lở rừng và phá hủy những hệ thống sinh thái cần hấp thụ CO2.
Như đã đề cập ở trên, đại dịch Covid-19 đã củng cố hơn nữa khao khát phát triển những nền kinh tế hoạt động chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Nhiều quốc gia trọng yếu trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” như Ai Cập, Pakistan, Bangladesh và Việt Nam đang vạch ra các kế hoạch cụ thể để đảm bảo sự khôi phục kinh tế sau đại dịch sẽ không có tác động xấu đến môi trường.
Hơn nữa, chính chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã cam kết lượng thải CO2 của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trước 2030 và Trung Quốc sẽ hướng đến nền kinh tế “không khí thải” trước năm 2060. Cam kết này đã khiến nhiều người hy vọng vào việc Bắc Kinh sẽ đóng vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu của “Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
Dẫu vậy, những nhà môi trường học thể hiện sự quan ngại rằng những doanh nghiệp và ngân hàng ở Trung Quốc hiện vẫn sẵn sàng xây dựng và hỗ trợ tài chính cho các nhà máy chạy bằng than đá – một thách thức lớn để hướng đến thế giới “không khí thải”.
Năm 2020, Trung Quốc đã lắp đặt 120 gigawatts năng lượng gió và mặt trời, gấp đôi so với năm trước đó và gấp 4 lần so với nước Anh. Nhưng đồng thời, số lượng dự án nhà máy chạy bằng than đá được chấp thuận cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2015.
Biên dịch: Dandelion