Báo cáo vừa được công bố hôm nay với tựa đề “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA” ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo hiệp định EVFTA có thể giúp GDP tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 – 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19.
EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư
Báo cáo cho rằng lợi ích từ việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm tuân thủ với những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong các hiệp định này.
Ước tính những cải cách này sẽ tạo ra “cú hích năng suất”, giúp GDP tăng thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030. Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi 3 vấn đề chính bao gồm: các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước – nhà đầu tư.
“Nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử. Với COVID-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Theo WB, với việc EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ châu Âu và trên toàn thế giới. Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo. Báo cáo khuyền nghị đẩy nhanh việc hình thành Cơ chế xử lý khiếu nại đầu tư một cách hệ thống để xử lý tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị để tối đa hóa lợi ích của EVFTA, các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau COVID-19 cần ưu tiên các ngành hàng chủ chốt chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Khai thác lợi ích của EVFTA trong thời kỳ hậu COVID-19
Theo WB, cần thực hiện các giải pháp để phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong tất cả các ngành phục vụ xuất khẩu, nhưng nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng được báo cáo là đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để khai thác các lợi ích khi thực hiện EVFTA.
Dưới đây là 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang thị trường EU trong giai đoạn 2014-2019. Doanh nghiệp đóng vai trò cơ bản trong hoạt động này, nhưng Chính phủ cũng nên xác định ưu tiên rõ ràng trong các gói tài chính và tín dụng chung đã được công bố để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU.
Các hiệp hội doanh nghiệp nên tích cực thúc đẩy doanh nghiệp thông qua nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các lợi ích của EVFTA và hướng dẫn về pháp lý để tận dụng lợi ích của hiệp định này.
Các giải pháp chính sách cũng cần giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 trong dài hạn. Trong một tương lai dài hơn, tác động kết hợp của COVID-19 và căng thẳng thương mại có thể đưa đến quá trình tái cấu trúc sâu sắc các chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng sẽ ít phụ thuộc hơn vào một số trung tâm sản xuất toàn cầu, như Trung Quốc, mở đường cho Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có thể ngắn hơn với ít quốc gia tham gia hơn.
Báo cáo cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ, chủ động và phù hợp hơn.
Đó là: áp dụng quản lý dựa trên rủi ro tuân thủ tự nguyện và chuyển sang kiểm tra sau thông quan; áp dụng công nghệ thông tin khi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước (các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và Tổng cục Hải quan); triển khai có hiệu quả cơ chế Một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN;
Thêm vào đó, thúc đẩy tính minh bạch tại tất cả các cơ quan kiểm tra chuyên ngành bằng việc ban hành danh mục các mặt hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành; và giảm chi phí logistics thông qua giảm phí cầu đường và số hóa việc thu phí, hợp lý hóa cơ sở hạ tầng vận tải và logistics liên quan đến thương mại để kết nối tốt hơn các chuỗi giá trị và thúc đẩy vận tải đa phương thức.
“Việt Nam cần có một cơ chế hiệu quả để xử lý và giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan được xây dựng giúp tăng cường phối hợp liên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại và hội nhập toàn cầu”, báo cáo nhấn mạnh.