Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp đảo
Theo Bộ Công Thương, trong hội nhập kinh tế ASEAN, so với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1996 cho đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tiếp tục phát triển, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, từ 3,3 tỷ USD năm 1995 lên 56,3 tỷ USD năm 2018. Năm 2019, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, song XNK hàng hóa của Việt Nam với các nước ASEAN và đối tác vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình ổn và khả quan.
Dù vậy, trong báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội, Bộ Công Thương nhận định đến nay, mặc dù các đối tác FTA đã thực hiện cam kết cắt giảm thuế tương đối nhiều, song DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội này để XK. “Việt Nam đã tận dụng ở mức độ tốt các FTA với Hàn Quốc (trung bình 78%); mức độ khá với Nhật Bản (trung bình 32%) và Trung Quốc (trung bình 27%); mức độ trung bình với ASEAN (trung bình 20,7%), Australia (trung bình 20,5%), Ấn Độ (trung bình 18%). Về phía DN, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các tập đoàn lớn có xu hướng tận dụng ưu đãi tốt hơn DN Việt Nam, DN vừa và nhỏ.”, Bộ Công Thương đưa ra con số đong đếm cụ thể.
Đáng chú ý, trong khi các nước trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan có khả năng tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng nhưng ngay cả trong những ngành hàng XK chủ chốt như dệt may, da giày, điện tử, Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp thành phẩm hoặc hoàn thành các sản phẩm quần áo/giày dép từ các nguyên liệu NK từ các nước khác. Sự phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, các DN FDI còn cao. Vai trò của sản xuất trong nước còn bị hạn chế. Tỷ lệ sản lượng của DN trong nước XK chỉ bằng 1/3 so với DN FDI.
“Mở cửa cho mặt hàng XK là ích lợi lớn nhất từ các FTA. Tuy nhiên, đến nay, XK của Việt Nam mới lớn lên về số lượng còn chưa thay đổi về cơ cấu, tính chất mặt hàng để tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Gia tăng XK theo kiểu 1 cộng thêm 1 chứ không phải phát triển theo cấp số nhân”, ông Huỳnh nói.Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh: FTA mở ra nhiều cơ hội XK, song Việt Nam chưa khai thác hết được những ưu đãi về thương mại hàng hóa. Các mặt hàng sản xuất, XK truyền thống như dệt may, da giày… được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu làm gia công, chi phí lao động cao. Các mặt hàng truyền thống khác như gạo, tiêu, điều, cà phê…, với những ưu đãi thuế quan, các FTA mở ra cơ hội chế biến sâu hơn cho ngành hàng nhưng Việt Nam chưa làm được.
90% xuất khẩu thô, chất lượng hạn chế
Bộ Công Thương đánh giá, riêng về các đối tác trong ASEAN, ở lĩnh vực kinh tế, các thành viên ASEAN phần lớn đều có cơ cấu kinh tế tương đối giống Việt Nam, cơ cấu XK cũng tương đồng, thậm chí là cạnh tranh. Vì vậy, sau giai đoạn hội nhập ban đầu, lợi ích thu được từ hội nhập ASEAN trong mấy năm gần đây chưa có dấu hiệu tăng trưởng.
Ở góc độ này, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi, Chế biến và XNK không ít lần chia sẻ, các mặt hàng nông nghiệp ví dụ như hoa quả, thực phẩm của Việt Nam có nhiều mặt hàng các nước trong khu vực khá ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tế số lượng các mặt hàng đó chưa nhiều cũng như thế mạnh chưa vượt trội. “Các nước trong khu vực ASEAN có điều kiện môi trường, khí hậu tương tự như nhau. Mấu chốt là yếu tố về giống và ai làm trước. Khi các nước cùng sản xuất, thị trường sản phẩm sẽ bão hòa”, ông Lý nhấn mạnh.
Bộ Công Thương phân tích năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn hạn chế, chưa được cải thiện đáng kể, có một số mặt hàng từng là thế mạnh của Việt Nam như gạo và cao su đang mất dần thị phần ở các thị trường trọng điểm. Các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng có sức cạnh tranh rất thấp do sản xuất nghiêng về số lượng và chất lượng thì giảm, nên thị trường đối mặt với nhiều rủi ro.
Vấn đề nổi cộm được Bộ Công Thương đề cập tới trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây còn là, khoảng 90% nông sản của Việt Nam vẫn XK dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá trị XK thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. “Một số thị trường như Singapore, Nhật Bản, Australia, New Zeanland… có quy định chặt chẽ và khắt khe đối với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm nên hàng XK của Việt Nam còn gặp khó khăn”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trả lời cho câu hỏi tại sao các nước trong khu vực tận dụng tốt cơ hội từ việc mở cửa hội nhập, đặc biệt là những ưu đãi thuế quan từ FTA để khai thác thị trường Việt Nam mà Việt Nam thì chưa, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, mấu chốt ở chỗ năng lực cạnh tranh của DN cũng như hàng hóa các nước ASEAN cao hơn Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa của ASEAN có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. DN của các nước ASEAN có chiến lược sản phẩm cũng như chiến lược tiếp thị tốt. Đặc biệt, các DN ASEAN còn tham gia vào nhiều thương vụ sáp nhập, mua bán. Điều này cho thấy DN có chiến lược tiếp cận và mở rộng thị trường….
Theo Bộ Công Thương, quá trình hội nhập kinh tế trong ASEAN đã diễn ra được hơn 20 năm, với mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư ngày càng sâu rộng. Vì vậy, thực thi các cam kết bao trùm các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử cũng là một thách thức đối với nguồn nhân lực của Việt Nam. Để khai thác tốt hơn nữa những lợi ích mà tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN mang lại, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả phổ biến, tuyên truyền các cam kết hội nhập ASEAN theo chủ đề chuyên sâu để giúp DN khai thác tốt hơn các ưu đãi trong các FTA trong khuôn khổ ASEAN; nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phối hợp giữa các bộ ngành trong hội nhập kinh tế ASEAN…
Bảng tổng hợp những hiệp định FTA đang tham gia, sắp có hiệu lực và đang trong quá trình thỏa thuận:
Nguồn: WTO Center and Integration