Cụ thể, theo chia sẻ tại đại hội, nửa đầu năm 2021 công ty mẹ Vietnam Airlines ước tính lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Do năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, Vietnam Airlines đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay đều xấu hơn năm ngoái. Trong đó, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ hợp nhất 14.526 tỷ đồng, cao hơn 30% so với năm 2020.
Tiến tới thành lập Vietnam Airlines Cargo
Giai đoạn vừa qua, Vietnam Airlines đã chuyển đổi cấu hình 7 máy bay chở khách thành chở hàng, gồm 5 tàu thân rộng A350 và 2 tàu thân hẹp A321. Trong tháng 6, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) đã vượt cả doanh thu chở khách. Đây là tiền đề cho Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng bay chuyên chở hàng hóa sau dịch bệnh, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà cho hay.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines cũng từng tính đến việc lập hãng bay chuyên chở hàng hóa Vietnam Airlines Cargo từ lâu. “Tuy nhiên, thực tế 5 năm gần đây cho thấy hãng bay chở hàng cần đảm bảo về quy mô để khai thác được tất cả nguồn hàng như Korean Air, China Airlines phải có mạng đường bay, đội bay chở hàng đủ lớn. Nên khi đó chúng tôi đánh giá việc lập hãng bay vận tải hàng hóa chưa mang liệu hiệu quả”, ông chia sẻ.
Nhưng với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, mảng chở hàng đã mang lại hiệu quả quan trọng từ khi dịch bệnh bùng phát và nhất là trong vài tháng gần đây khi không vận chuyển hành khách.
Trong nửa đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Hai đợt dịch bùng phát đúng vào cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 kéo dài sang cả cao điểm hè. Bên cạnh đó, giá dầu năm 2021 tăng cao khiến chi phí của hãng tăng thêm 700 tỷ đồng so với năm 2020.
Thời điểm này mọi năm, Vietnam Airlines thực hiện 500 – 550 chuyến bay mỗi ngày, thì năm nay chỉ duy trì khoảng 40 chuyến, chủ yếu để chở hàng hoá phục vụ các tỉnh bị cách ly, giữ giao thương tối thiểu của kinh tế đất nước.
Kế hoạch này được xây dựng trên giả định Vietnam Airlines hoàn thành bán 11 tàu bay A321, Chính phủ cho phép mở cửa đón khách đến Phú Quốc, áp dụng hộ chiếu vaccine. Đồng thời hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và có các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ.
Kế hoạch thay thế các máy bay ATR-72 cũ
Năm nay, Vietnam Airlines tiếp tục đặt mục tiêu tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh.
Dự kiến tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra, các máy bay ATR-72 cũ đến 12 năm tuổi sẽ được bán và thay thế bằng các tàu bay phản lực khu vực để tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.
Đối với kế hoạch bay quốc tế, Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện chuyến bay hồi hương theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó cũng chủ động xây dựng, báo cáo Chính phủ cho phép sớm khai thác trở lại các đường bay thường lệ trên cơ sở kết hợp các chuyến bay chở hàng, triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine, v.v.
Với thị trường nội địa, Vietnam Airlines xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh. Đồng thời, hãng cũng tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới, đặt mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021.
Vân Anh