Xuất khẩu gốm sứ xây dựng Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020
Theo số liệu thống kế từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng lớn thứ 9 toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm.
Tính riêng năm 2020, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 0,9% tổng trị giá xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu và đang có xu hướng ngày càng mở rộng, so với năm ngoái thì con số này đã tăng lên 0,1% và 0,2% so với năm 2016. Cũng trong năm 2020, xuất khẩu hàng gốm sứ xây dựng của Việt Nam vẫn đạt 375,5 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất thấp so với các thị trường xuất khẩu chính như EU, Trung Quốc và với ngay cả đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan. Chính vì vậy mà ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa để khai thác và phát triển.
Thị trường gốm sứ xây dựng ngày càng mở rộng
Nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng ngày càng tăng cao cùng với sự sức nóng của thị trường bất động sản càng cho thấy tiềm năng xuất khẩu mặt hàng gốm xây dựng đang được mở rộng
Về phía thị trường, theo thông tin từ ICT, nghiên cứu của Technavio cho biết quy mô thị trường gốm sứ xây dựng dự kiến đạt 64,52 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,72% trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, nhu cầu về các sản phẩm gốm sứ ngày càng tăng do sự gia tăng các dự án khu dân cư và các tòa nhà cùng với thu nhập khả dụng tăng khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các sản phẩm gốm sứ. Mặt khác, khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, hoạt động được kinh tế phục hồi, các tòa nhà thương mại, các khu vực nghỉ dưỡng và nhà ở hoạt động mạnh trở lại cũng đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ lên cao.
Về phía chính phủ, đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần xây dựng, hình thành các trung tâm xử lý và chuẩn hóa nguyên liệu để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng. Đây là động lực để ổn định sản xuất và là tiền đề để phát triển các sản phẩm gốm sứ có giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất gốm tập trung để bảo tồn các trung tâm sản xuất gốm sứ và giảm thiểu tác động của sản xuất gốm sứ đến môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng được các nhu cầu hợp chuẩn của thế giới.
Cuối cùng, tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để nhập khẩu các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại từ các nước phát triển, sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.
Huyền Tú
ĐỌC THÊM:
Việt Nam: Nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ hai thế giới