TOPLINE Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thúc đẩy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và giao dịch quốc tế phát triển. Trong bối cảnh ấy, Logistics với vai trò xương sống của nền kinh tế, được đánh giá là ngành có triển vọng phát triển lớn, góp phần tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Vậy, Logistics là gì? Trong bài viết này, Logistician sẽ giới thiệu cho bạn những kiến thức tổng quan và cơ bản nhất về Logistics.
KEY POINTS
- Logistics là một chuỗi các hoạt động liên quan vận chuyển, lưu trữ và bảo quản… để đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách an toàn và tiết kiệm nhất.
- Công việc của một công ty logistics là lên kế hoạch và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa từ điểm xuất phát đến nơi tiêu thụ theo yêu cầu mà khách hàng đã đặt ra.
- Logistics giữ vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
ARTICLE
Trước tiên, để có cái nhìn khái quát nhất về hoạt động logistics hãy cùng tìm hiểu ví dụ sau: “Có một đơn hàng cần xuất từ Việt Nam sang Mỹ thì nhà xuất khẩu cần tìm hãng tàu biển để chuyển hàng sang Mỹ thông qua bên thứ 3 là Freight forwarder. Trước đó, để có thể chuyển hàng từ kho hàng ra cảng cần tìm công ty vận tải sử dụng xe đầu kéo để chuyển hàng. Để có thể xuất sang Mỹ, cần sự cho phép của Hải quan Việt Nam và Hải quan Mỹ, việc này sẽ do các Công ty môi giới hải quan phụ trách. Khi hàng tới cảng bên Mỹ, cần có các kho để chứa hàng trước khi chuyển tới người nhập khẩu, sau đó tới người dùng.”
Logistics là gì?
Có thể thấy, logistics có mặt trong toàn bộ chuỗi cung ứng và quản trị Logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng. Hiểu một cách đơn giản, Logistics là một chuỗi các hoạt động về hậu cần, vận chuyển, kho bãi, v.v. tất cả các hoạt động để đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách an toàn và tiết kiệm nhất.
Và dịch vụ logistics cũng đã được định nghĩa tại điều 233 Luật Thương mại 2005: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Các công ty Logistics thực hiện các hoạt động gì?
Ví dụ trên cho thấy rất khó để nhà xuất khẩu có thể tự thực hiện, kiểm soát toàn bộ quá trình cung ứng hàng hóa. Để các doanh nghiệp có thể tập trung cho hoạt động sản xuất của mình, các công ty Logistics đã ra đời. Công việc của một công ty logistics là lên kế hoạch một cách cụ thể và kiểm soát một cách chặt chẽ các luồng chuyển dịch của hàng hóa cũng như là các thông tin liên quan đến nguyên, nhiên liệu từ điểm xuất phát đến nơi tiêu thụ theo yêu cầu mà khách hàng đã đặt ra.
Cụ thể các dịch vụ mà công ty Logistics có thể cung cấp bao gồm:
- Vận chuyển hàng hóa quốc tế (booking hãng tàu, hãng hàng không, vận chuyển cross-border, v.v)
- Vận chuyển hàng hóa nội địa (vận chuyển hàng hóa giữa các nhà máy, cơ sở sản xuất, kho, trung tâm phân phối; giao hàng chặng cuối)
- Phân tách và gom hàng
- Lưu trữ và bảo quản hàng hóa tại các kho, trung tâm phân phối.
- Đóng gói và dán nhãn
- Thực hiện các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan đến hồ sơ, chứng từ như: mua bảo hiểm hàng hóa; thủ tục thông quan hàng hóa; giấy phép về kiểm dịch, kiểm hóa, giám định hàng hóa; giấy xin chứng nhận C/O và các giấy phép chuyên ngành cần thiết khác.
- Các dịch vụ khác
Ngoài ra, nếu có yêu cầu từ khách hàng, công ty có thể làm đại diện để thực hiện các thủ tục khác. Việc cung cấp những dịch nào còn phụ thuộc vào nhu cầu từ phía khách hàng, đối với từng đơn hàng là khác nhau.
Các công ty logistics lớn ở Việt Nam có thể kể đến như: Giao hàng tiết kiệm, Vietnam Post, Giao hàng nhanh… bên cạnh đó phải kể tới những công ty Logistics nước ngoài tại Việt Nam như: DHL, Maersk, Công Ty TNHH Hitachi Transport System…
Logistics có vai trò quan trọng như thế nào?
Logistics được ví như dầu bôi trơn giúp quá trình kết nối các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế như cung cấp, sản xuất, v.v. góp phần tiết kiệm và giảm chi phí lưu thông trong phân phối hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, cho doanh nghiệp từ đó giúp thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực nói chung và các nước trên thế giới nói riêng.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp, Logistics có vai trò:
- Giúp giải quyết cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, tối ưu hoá quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ, v.v.
- Nâng cao hiệu quả trong quản lý, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, phân phối hàng hoá, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Tạo ra những lợi ích về thời gian và địa điểm cho việc phân phối và tiêu dùng sản phẩm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng ngày càng có khoảng cách xa về địa lý của xu hướng toàn cầu hoá hiện nay.
- Giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá và đáp ứng dịch vụ cho khách hàng hiệu quả, nhanh chóng. Việc xây dựng những phương án tối ưu trong dự trữ, vận chuyển, mua hàng, v.v. và sự phát triển của hệ thống thông tin hiện đại sẽ là những điều kiện tốt để đưa hàng hoá đến nơi khách hàng yêu cầu nhanh nhất.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh qua việc bán hàng ở mức chi phí thấp hơn nhờ vào hệ thống logistics hiệu quả. Uy tín của doanh nghiệp cũng được nâng cao với việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở mức độ tốt và hoàn thiện hơn.
Vân Anh
ĐỌC THÊM: