Tiếp tục áp dụng những hạn chế mới
Bắt đầu từ ngày 30 tháng 7, số lượng tàu qua kênh đào Panama sẽ bị hạn chế, giảm xuống chỉ còn 32 lượt tàu/ngày, cụ thể là 10 tàu Neo-panamax và 22 tàu Panamax. ACP cho biết công suất có thể được điều chỉnh lại dựa trên các yếu tố liên quan như dự báo thời tiết, mực nước hồ Gatun. Năng lực vận tải tối đa có thể đạt được của kênh đào Panama vào khoảng 38-40 tàu/ngày, nhưng nhìn chung là có 34-38 tàu/ngày. Tuy nhiên, hai tháng gần đây nhất là tháng 5 và tháng 6, trung bình mỗi ngày chỉ có 32,58 và 32,13 lượt tàu.
Song song với việc hạn chế lượng tàu qua kênh, ACP cũng quyết định duy trì mớn nước ở 13,41 mét (44 feet) trong vài tháng tới nếu thời tiết không thay đổi đáng kể so với các dự báo hiện tại. Sự xuất hiện của những cơn mưa vào cuối tháng 6 đã giúp hoãn lại việc giảm hơn nữa mớn nước xuống 13,26 mét vào ngày 25/6 và xuống 13,22 mét từ ngày 19/7 theo dự thảo trước đó.

ACP cũng lưu ý rằng việc giảm lưu lượng hàng ngày qua kênh đào Panama trong một thời gian dài có thể dẫn đến thời gian chờ đợi lâu hơn đối với các tàu không đặt trước. Đồng thời cho biết thêm rằng họ sẽ có thể thực hiện các biện pháp và thủ tục bổ sung trong tương lai nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả của một trong những tuyến đường thuỷ quan trọng bậc nhất thế giới này.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể cần theo dõi mực nước trên kênh đào Panama
Khoảng 3,5% thương mại hàng hải của thế giới đi qua kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cần 200 triệu lít nước để đưa một con tàu qua âu tàu tại kênh đào Panama. Lượng nước đó chủ yếu được lấy từ hồ Gatun, vốn đang cạn kiệt nhanh chóng do hạn hán kéo dài. Việc giữ mớn nước thấp và giảm lượng tàu qua kênh đào có thể khiến giá hàng hoá tiêu dùng và hàng công nghiệp vận chuyển qua kênh đào Panama bị đội lên. Giá cước vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường khác cũng sẽ tăng nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, buộc các chủ hàng phải tìm giải pháp thay thế – đặc biệt là vào các tháng vận chuyển cao điểm như tháng 8 và tháng 9, khi các nhà bán lẻ tích trữ hàng trước mùa mua sắm cuối năm.

Và nếu các điều kiện tiếp tục xấu đi, hạn hán ở Panama đẩy giá cước vận chuyển tăng lên, có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát, phá hỏng những nỗ lực chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Một nghiên cứu của ông Ostry, nhà kinh tế học ở Georgetown, cho thấy chi phí vận chuyển tăng 20% sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát thêm 0,15 điểm phần trăm một năm sau đó. Nhà kinh tế này cho biết, mặc dù giá vận chuyển hiện thấp hơn so với thời kỳ đại dịch, nhưng mức tăng như vậy có thể làm suy yếu nỗ lực của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát và không nên xem nhẹ.
Nguyễn Hảo