Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác, cơ hội việc làm và thu nhập cho khu vực kinh tế chiếm 30% GDP toàn cầu.
Nhìn từ góc độ Trung Quốc thì Việt Nam và các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Việt Nam hưởng nhiều lợi ích từ RCEP
Hiện nay, khoảng hơn 1/3 sản lượng sản phẩm nhựa do Việt Nam sản xuất được xuất sang Trung Quốc. Sau khi RCEP có hiệu lực, tiềm năng xuất khẩu sẽ càng được mở rộng. Khi đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng nhà máy và thiết lập hệ thống logistics tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các chuỗi giá trị khu vực.
“Hiệp định giúp thống nhất các tiêu chuẩn về xuất xứ, thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo một môi trường kinh doanh ổn định, tự do và kết nối các doanh nghiệp”, ông Hứa Tân Quyền, Viện Nghiên cứu WTO Trung Quốc, cho biết.
RCEP sẽ đơn giản hóa thủ tục, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về nguồn cung nguyên liệu, giấy chứng nhận xuất xứ tiếp tục được tiêu chuẩn hóa sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi. Sau ngày 1/1, hơn 65% số sản phẩm giao dịch giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN, Australia và New Zealand được miễn thuế ngay lập tức.
“Lợi ích quan trọng mà RCEP mang lại là Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN nói riêng và nước khác nói chung. Mỗi nước đều phát huy hết lợi thế của mình, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị châu Á”, Giáo sư Thôi Phàm, Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nhận định.
RCEP thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới
Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các thành viên RCEP khác chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch ngoại thương của nước này. Trong điều kiện dân số Trung Quốc ngày càng già, lương cao nên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ tham gia chuỗi cung ứng khi nhiều doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc di dời nhà máy sang để tận dụng lợi thế lao động dồi dào, giá rẻ.
“Chúng tôi sẽ cùng công ty Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư, thật ra chúng tôi đã đầu tư tại nhiều công ty. ASEAN, giá thành sản xuất ra sản phẩm thấp hơn Trung Quốc. Giờ nhiều đơn hàng chúng tôi chuyển cho các nhà máy ở Việt Nam”, ông Đới Kiến Quốc, Lãnh đạo công ty Bosideng, Giang Tô, Trung Quốc, nói.
Đông Nam Á đang trở thành mảnh đất ngày càng màu mỡ đối với nhiều công ty Trung Quốc sang đây mở nhà xưởng, bởi thị trường tiêu thụ ngày càng rộng lớn, sức tiêu thụ tăng lên. Trong khi nguồn nhân lực lành nghề, giá rẻ hơn so với Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: “RCEP trong ngắn hạn sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nhưng về trung hạn và dài hạn sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, về lâu dài lợi ích của chúng ta sẽ thấy rõ, khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này và Việt Nam trở thành một thành phần của chuỗi cung ứng đó sẽ tạo động lực để xuất khẩu gia tăng”.
Vân Anh
Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) thúc đẩy sự gia tăng vốn FDI từ EU vào Việt Nam