Hiện đại trở lại… thủ công
Tuần đầu tháng 7/2020, tại trụ sở Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Kinh Môn, Đại diện Cảng vụ Phúc Sơn (tỉnh Hải Dương), PV Báo Giao thông ghi nhận hơn chục thuyền viên đến làm thủ tục xin cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng bến thủy theo hình thức trực tiếp, trong khi cả ngày không có trường hợp nào làm thủ tục từ xa bằng tin nhắn điện thoại.
Đại diện hai đơn vị trên cho biết thêm, từ đầu năm 2020 đến nay, các tàu thuyền vào, rời bến thủy trong khu vực trên đều làm thủ tục trực tiếp. Điều này gây bất ngờ, bởi từ hơn 3 năm nay, tàu thuyền đến khu vực này có thể xin cấp phép trực tuyến bằng tin nhắn điện thoại. Và thực tế, khá nhiều tàu đã sử dụng phương thức hiện đại này để thay cho phương thức thủ công vốn mất nhiều thời gian, công sức hơn.
Khảo sát tại một số Đại diện cảng vụ khác thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, II cũng cho thấy, số lượng phương tiện thủy làm thủ tục vào, rời cảng bến bằng tin nhắn trong vài tháng qua rất thấp, nhiều trường hợp chuyển từ làm thủ tục bằng tin nhắn về cách làm thủ công.
Ông Trịnh Kim Định, thuyền phó tàu VR-SB 2.500 tấn biển số HNa-0306 cho biết: “Làm thủ tục bằng tin nhắn nhưng sau đó vẫn phải đi đò vào bờ, bắt “xe ôm” vào trụ sở đơn vị cảng vụ để làm thủ tục, nộp phí, lệ phí. Giữa đêm tàu cần rời cảng, nhắn tin cho cảng vụ cũng có giải quyết được ngay đâu, vẫn phải chờ sáng hôm sau lên làm thêm thủ tục giấy mới được đi”.
Một số thuyền viên phương tiện khác chia sẻ, nội dung nhắn tin khá phức tạp, có khi nhắn vài lần vẫn nhầm, mà sau đó vẫn phải lên làm thủ tục trực tiếp nên không còn mặn mà.
Đề cập quy trình xin cấp phép bằng tin nhắn, ông Hồ Văn Hải, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Kinh Môn xác nhận, do chưa có quy định riêng về thủ tục đối với tàu xin phép vào, rời cảng bến bằng tin nhắn nên vẫn phải thực hiện thủ tục giống như làm thủ tục trực tiếp, được quy định tại Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT.
“Tất cả tàu thường xuyên hoạt động thuộc phạm vi đơn vị quản lý đều được hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” làm thủ tục bằng tin nhắn, song nhiều thuyền viên không có hoặc không thạo sử dụng điện thoại thông minh nên ngại làm. Mặt khác, phương tiện phải được chủ cảng, bến đồng ý mới được vào, dẫn đến trường hợp nhắn tin trước nhưng phải vào sau phương tiện khác, khiến việc làm thủ tục bằng tin nhắn không đồng bộ”, ông Hải cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Công Câu thông tin, hệ thống tiếp nhận, phản hồi tin nhắn thường xuyên bị trục trặc, nhiều lúc không hoạt động được.
Nhiều hạn chế, bất cập
Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, việc thí điểm làm thủ tục bằng tin nhắn được thực hiện theo Quyết định số 2537 của Bộ GTVT, áp dụng từ ngày 20/8/2016, áp dụng cho 4 Cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc Cục. Theo đó, phương tiện thủy đăng ký số điện thoại với các cơ quan cảng vụ và trước khi vào, rời cảng bến nào đó thì nhắn tin để thông báo trước.
Năm 2019, có hơn 109.000 lượt phương tiện thủy đăng ký làm thủ tục vào cảng, bến bằng tin nhắn, chiếm tỷ lệ 35% tổng số lượt phương tiện vào cảng, bến; còn phương tiện làm thủ tục rời cảng, bến chiếm tỷ lệ 12%.
Trước đó, năm 2017 – 2018, tỷ lệ phương tiện làm thủ tục bằng tin nhắn đạt 30 – 35% tổng số lượt phương tiện được cấp phép. Việc cấp phép bằng tin nhắn được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để tiến tới cấp phép từ xa, thuyền viên không cần phải đến trụ sở cảng vụ để làm thủ tục. Tuy nhiên, sang năm 2020, số lượng phương tiện làm thủ tục vào, rời cảng bằng tin nhắn rất thấp, chỉ đạt tổng số hơn 300 lượt.
Ông Đoàn Trường Sơn, Phụ trách Phòng Pháp chế – Thanh tra Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trước tình hình trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép dừng thực hiện thí điểm đăng ký làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng, bến thủy bằng tin nhắn.
Một trong những nguyên nhân do hệ thống phần mềm, thiết bị kỹ thuật phục vụ cấp phép bằng tin nhắn thường xuyên gặp sự cố, trong khi chưa có nguồn kinh phí để nâng cấp, bảo trì hệ thống và trả cước thuê bao điện thoại, tin nhắn hàng tháng cho các cảng vụ. Mặt khác, trong quá trình triển khai phát sinh nhiều khó khăn, bất cập cho cả người làm thủ tục và đơn vị cảng vụ.
“Bản chất việc đăng ký làm thủ tục bằng tin nhắn chỉ mang tính chất thông tin, trao đổi giữa người làm thủ tục và cảng vụ, còn việc làm thủ tục vẫn theo quy định chung. Do đó, việc đăng ký làm thủ tục bằng tin nhắn làm phát sinh thao tác, công việc song không mang lại nhiều lợi ích”, ông Sơn nói.
Trước thông tin trên, lãnh đạo một số đơn vị cảng vụ cũng như thuyền viên nhất trí với việc nên dừng thí điểm và cần cải cách để thực sự có lợi cho thuyền viên.
Trong khi đó, ông Cao Tấn Quân, nguyên Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV lại cho rằng, việc nhắn tin báo trước thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp chủ động sắp xếp, bố trí nơi neo đậu và vào, rời cảng bến. Thời gian thí điểm đã khá dài, vì vậy cần tiếp tục ứng dụng công nghệ vào quản lý cảng, bến, phương tiện để đường thủy tiếp tục tiến lên, chứ không thể… đi lùi.