Thiếu dịch vụ gom hàng
Ông Mohammad Ali Khokon, chủ tịch Hiệp hội các nhà máy dệt Bangladesh (BTMA) cho biết: “Các hãng tàu dường như mất nhiều thời gian chờ đợi hơn ở các cảng trung chuyển hàng hóa, vì thiếu các dịch vụ gom hàng và tàu gom hàng.”
Chính vì không có cảng nước sâu để đón các con tàu cỡ lớn, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng dệt may của Bangladesh hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào các tàu gom hàng chở container đến và đi từ Singapore, cảng Port Klang, cảng Colombo và các cảng Chittagong, Mongla của Bangladesh.
Ông Khokon nói thêm, trong khi hoạt động xếp dỡ container tại Chittagong đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hai năm qua, nhưng số lượng tàu gom hàng không tăng theo cùng một tỷ lệ.
Năm ngoái, Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 7 triệu kiện bông và năm nay con số có thể tăng lên 9 triệu kiện. Mặc dù vậy, nước này mới chỉ có khoảng 85 tàu trung chuyển để chở container giữa các cảng biển Bangladesh và các đầu mối trung chuyển trong khu vực. Nếu tình hình này không được cải thiện, ngành dệt may, một trong những ngành kinh tế chủ lực rất có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguyên liệu thô trầm trọng.
Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Các nhà sản xuất hàng may mặc cũng đang thúc giục giới chức trách nước này phát triển năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không như một biện pháp thoát khỏi khủng hoảng. Trong cuộc họp với cơ quan quản lý hàng không dân dụng, ông Faruque Hassan, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh đã yêu cầu cải tiến, đầu tư, phát triển trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các sân bay để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến ngành dệt may.
Ông Hassan cũng kêu gọi các nhà chức trách hàng không dân dụng, sử dụng thiết bị hiện đại hơn, giảm phí, tăng cường nhân viên để cải thiện quy trình xử lý hàng hóa tại sân bay.
Bên cạnh biện pháp nâng cao năng lực vận tải bằng đường hàng không, thì tại cuộc họp với Bộ trưởng Đường sắt Nurul Islam Sujan vào tuần trước, ông Hassan đã yêu cầu cải thiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất đường sắt như thêm đường ray, xây dựng nhà kho, nâng cấp đường đơn thành đường đôi và chuyển các tuyến đường sắt thành khổ kép để tàu di chuyển nhanh hơn.
Hồng Đào