Tập đoàn Universal Alloy Corporation được thành lập năm 1961, có trụ sở chính ở Canton – ngoại ô Atlanta (bang Georgia, Mỹ). UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các công ty hàng không như Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier, và đây cũng là một trong ba tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp nhôm đặc chủng cho sản xuất máy bay.
UAC cho biết, có hai lý do chính để công ty này lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư cho dự án này.
Thứ nhất, Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường đầy tiềm năng. Hiện tại có hơn 30% lượng hàng tồn đọng của các đơn hàng Boeing và Airbus tập trung ở khu vực này, số lượng đủ để sản xuất ra hơn 12.000 máy bay. Thêm vào đó, cả Boeing và Airbus đều đang mở rộng hoạt động sản xuất ở châu Á và rất quan tâm đến dự án xây dựng nhà máy của UAC tại Việt Nam. Một số các hãng hàng không Việt Nam cũng thể hiện nhu cầu lớn đối với máy bay, cụ thể VietJet đã mua 65 máy bay cỡ nhỏ Airbus A320 và A321. Bamboo Airways sở hữu 24 máy bay Airbus A321 cùng với 20 máy bay Boeing 787. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu của ngành hàng không những năm gần đây, Việt Namđược đánh giá sẽ sớm trở thành nơi cung ứng lượng lớn linh kiện máy bay cho toàn thế giới.
Về lý do thứ hai, ông Kevin Loebbaka (Giám đốc điều hành Universal Alloy Corporation, Chủ tịch của Universal Alloy Corporation Châu Âu) chia sẻ: “Trong suốt 10 năm quản lý vận hành tại UAC Anaheum, California; tôi luôn đề cao kỹ năng thành thạo và hiểu biết sâu rộng của lực lượng lao động Việt Nam trong các lình vực toán học, khoa học, công nghệ và gia công. Tôi đã luôn giữ niềm tin rằng Việt Nam sẽ là điểm đến trong tương lai của UAC. Và hôm nay, chúng tôi bắt đầu điều đó với Đà Nẵng”.
Cũng theo ông Loebbaka, tại Đà Nẵng, UAC dự kiến sẽ sản xuất hơn 4000 loại linh kiện máy bay để xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; chủ yếu cho 3 dòng máy bay Boeing 787, 777 và 737. Bên cạnh đó, Tập đoàn này sẽ tăng cường nguồn sử dụng nguồn nhân lực bản địa với kế hoạch phát triển quy mô nhân sự lên 650 người vào năm 2021 và hơn 1.000 người vào năm 2023; song song với đó là các chương trình tuyển dụng và đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên và chuyên gia tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, UAC sẽ phát triển thêm chuỗi doanh nghiệp “vệ tinh” cung cấp các dịch vụ phụ trợ và dự kiến điều này sẽ gián tiếp tạo thêm việc làm cho hơn 2.000 lao động.
UAC kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, tăng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và vượt ngưỡng 180 triệu USD mỗi năm từ sau năm 2026.
Nguồn: Tổng hợp