Tổng quan
Theo bản báo cáo mới nhất của CBRE “The Changing Flow of International Trade”, nhiều doanh nghiệp trên thế giới hiện đang tái đánh giá chuỗi cung ứng của họ và có xem xét chiến lược “Trung Quốc + 1”, tìm kiếm nguồn cung ở các nước châu Âu và một phần tại châu Á. Vùng Đông Nam Hoa Kỳ và Gulf Coast (Duyên hải vịnh Mexico) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu trong thời gian tới.
Ông John Morris, giám đốc quản lý phụ trách mảng công nghiệp và logistics ở Mỹ cho CBRE, phát biểu rằng: “Mặc dù quy mô chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ không diễn ra thực sự mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ sự thay đổi trong xu hướng giao thương sẽ có tác động sâu sắc tới chuỗi cung ứng của Mỹ, bao gồm sự phát triển về phân phối công nghiệp và sản xuất nội địa.”
Vùng Đông Nam Hoa Kỳ đã kết thúc quý 1 năm 2020 với ba thị trường bất động sản công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất quốc gia này, bao gồm: Savannah, Georgia; Greenville, South Carolina; và Charleston, South Carolina.
Chi tiết
Báo cáo của CBRE chỉ rõ rằng quy mô kinh tế ở phía Đông Hoa Kỳ vẫn sẽ nhỏ hơn so với bờ Tây, và Trung Quốc thực chất sẽ tiếp tục duy trì là một trong những đối tác giao thương lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Hoa Kỳ cũng sẽ hưởng lợi từ một số xu thế và chiến lược kinh tế mới.
Một trong những lý do kích thích sự tăng trường thương mại cho bờ đông là bởi tuyến đường từ các khu vực châu Âu hay Tây Á đến bờ Đông qua kênh đào Suez nhanh hơn và ngắn hơn nhiều so với bờ Tây.
Ngoài ra, Đông Nam còn là trung tâm dân số lớn nhất của Mỹ, với 85,5 triệu người và tốc độ tăng trưởng được dự đoán đạt mức 4,8%/năm trong vòng 05 năm tới. Số lượng cư dân lớn đồng nghĩa với nhu cầu hàng hóa lớn, và là nguyên nhân trực tiếp giúp cho vùng Đông Nam sở hữu ba thị trường bất động sản phát triển nhanh nhất ở Mỹ.
Ông James Breeze, giám đốc toàn cầu phòng nghiên cứu công nghiệp và logistics ở CBRE chia sẻ rằng: “Với sự thay đổi tích cực trong hoạt động giao thương, khu vực Đông Nam thể hiện rõ tiềm năng về logistics, cùng lượng đất sẵn có cho các mục đích phát triển công nghiệp và sản xuất với giá thuê thấp kèm theo tiềm năng tiếp cận thị trường có dân số lớn nhất của Mỹ.”
Vào năm 2019, các cảng biển ở bờ Đông nước Mỹ ghi nhận mức tăng trường về sản lượng giao thương, khi lượng hàng hóa qua một số cảng biển khu vực Tây Bắc như Long Beach hay Los Angeles đang giảm theo từng năm. Vùng Đông Nam cũng có lợi thế gần với nhiều sân bay ở Atlanta, Greenville và Memphis, cũng như trung tâm vận chuyển của FedEx và UPS.
Nhu cầu xây dựng kho bãi được kỳ vọng sẽ tăng mạnh khi các nền kinh tế trên thế giới chính thức mở cửa trở lại và doanh nghiệp đang xem xét lại các chiến lược về chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững, giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. CBRE đề xuất các công ty sản xuất nên tăng lượng hàng tồn kho dự trữ trong nhiều tháng, và đặt kho bãi gần các khu dân cư lớn. Tuy nhiên, giải pháp này lại dẫn đến áp lực về chi phí lớn cho nhà cung ứng và cả người tiêu dùng.
Báo cáo của CBRE cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam sẽ sớm trở thành một trung tâm sản xuất mới. Mức giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam đã tăng đến 10%, nhờ vào dự đoán tích cực về sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang quốc gia này.
Biên dịch: Dandelion