Shell dừng mua dầu thô từ Nga
Tuần trước, Shell (RDSA) đã mua 100.000 tấn dầu với mức chiết khấu cao từ Nga. Tuy nhiên, vào ngày 8/3, hãng này tuyên bố chính thức ngừng mọi hoạt động thu mua dầu thô của Nga. Quyết định này được cho là phù hợp với những định hướng mới của chính phủ Châu Âu. Shell cũng sẽ ngay lập tức thực hiện đóng cửa các trạm dịch vụ, các hoạt động cung cấp nhiên liệu hàng không và dầu ở Nga, đồng thời bắt đầu rút lui theo từng giai đoạn khỏi các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga.
Trừ khi chính phủ yêu cầu, Shell cho biết họ sẽ ngay lập tức ngừng mua dầu thô của Nga trên thị trường và không gia hạn hợp đồng. Công ty dầu khí đa quốc gia của Anh cũng sẽ cơ cấu lại chuỗi cung ứng để cắt giảm hoàn toàn nguồn cung dầu thô từ Nga. Công ty cho biết rằng họ sẽ làm điều này nhanh nhất có thể, tuy nhiên, tình hình thực tế và sự sẵn có của các giải pháp thay thế có thể khiến quá trình này mất vài tuần và sẽ dẫn đến giảm sản lượng tại một số nhà máy lọc dầu của hãng.
Ông Ben Van Beurden, giám đốc điều hành Shell, cho rằng các hành động của Shell từ trước tới nay đều dựa trên các cuộc thảo luận với chính phủ về việc dừng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga và duy trì nguồn cung năng lượng. Ông cũng xin lỗi về quyết định của Shell vào tuần trước khi mua một lô hàng dầu thô của Nga để tinh chế thành khí đốt và dầu diesel. Đồng thời, Shell cũng cam kết lợi nhuận từ các thùng dầu còn lại của hãng mua từ Nga sẽ được dùng vào một quỹ dành riêng cho việc giảm nhẹ hậu quả chiến tranh cho người dân Ukraine.
Tình hình giá dầu hiện nay
Nhiều công ty hạn chế mua dầu từ Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Mới đây, Mỹ cung đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Dầu thô Urals chuẩn của Nga đang giao dịch ở mức chiết khấu 25 USD/thùng, so với giá chỉ vài USD trước cuộc xung đột. Moscow cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng lên 300 USD/thùng nếu phương Tây cấm khai thác dầu từ Nga, đồng thời đe doạ rằng sẽ có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức để trả đũa việc Berlin quyết định ngăn chặn đường ống Nord Stream 2 của Nga đi vào hoạt động.
Các nước châu Âu đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc gây áp lực lên chính phủ Nga về các hành động của nước này ở Ukraine và việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, an toàn. Shell khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ để giúp quản lý các tác động tiềm tàng đối với an ninh năng lượng, đặc biệt là ở Châu Âu.
Thuỳ Mai
Dầu và khí đốt từ Nga chính thức bị cấm nhập khẩu vào Mỹ và Anh