Container C.O.C là gì?
C.O.C là viết tắt của “Carrier Owned Container”, nhằm chỉ container thuộc sở hữu và chịu sự kiểm soát của người chuyên chở (hãng tàu). COC thường sử dụng cho các lô hàng vận chuyển tiêu chuẩn, và là loại phổ biến nhất trong vận chuyển đường biển. Thông thường, người gửi hàng ít khi dùng đến container của riêng họ nếu như hãng tàu có sẵn số lượng lớn container, và tuyến đường cũng không có gì đặc biệt cần lưu ý.
Ví dụ, tuyến đường hàng hải từ Hamburg đến Singapore là một tuyến phổ biến và hãng vận chuyển có đủ container để đáp ứng được lượng cầu, do vậy, hầu hết các shipper đều lựa chọn C.O.C.
Lợi ích của C.O.C?
Sử dụng container C.O.C là hình thức đơn giản nhất: Người gửi hàng chỉ cần thanh toán một khoản chi phí “all-in” (bao gồm toàn bộ các chi phí từ cước vận chuyển đến phí hai đầu, tùy theo từng điều khoản Incoterms áp dụng). Hãng tàu, sau khi nhận được khoản thanh toán, có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, trong đó có bao gồm nghĩa vụ cung cấp container. Sau khi hàng hóa cập cảng đến và được dỡ xuống khỏi container, người nhận hàng trả lại container cho hãng tàu, và kết thúc toàn bộ trách nhiệm đối với container đó.
Trong trường hợp lô hàng được gửi từ địa điểm “thặng dư container”, ví dụ như những quốc gia có sự thiếu cân bằng giữa lưu lượng hàng nhập và hàng xuất, dẫn đến sự dư thừa nhiều container rỗng, việc lựa chọn C.O.C sẽ giúp người gửi hàng nhận được nhiều điều khoản chiết khấu, hoàn tiền (“Refund”) từ hãng tàu.
Container S.O.C là gì?
S.O.C viết tắt cho “Shipper Owned Container”, tức là container thuộc sở hữu của người gửi hàng, bên giao nhận (forwarder) hoặc NVOCC. Họ chỉ cần đặt chỗ trên tàu, và khi đó báo giá sẽ không bao gồm phí liên quan đến container. Thông thường, khi làm việc hãng tàu, sẽ có mục lựa chọn loại container là “C.O.C” hay “S.O.C” để hãng tàu đưa ra báo giá phù hợp.
Việc sử dụng S.O.C ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến, và chủ yếu sử dụng cho loại hình vận chuyển hàng hóa nội địa. Loại container S.O.C đặc biệt hữu dụng nếu như điểm đến cuối cùng (“final destination”) của lô hàng ở rất xa so với cảng biển, và phải mất rất nhiều ngày để vận chuyển container từ cảng biển đến nhà máy cũng như mang container trả lại cho hãng tàu.
Nhiều nhà sản xuất lựa chọn đầu tư các container S.O.C với giá dao động trong khoảng $1300-2000/TEU để tiện cho việc lưu giữ hàng hóa trong thời gian dài.
Lợi ích của S.O.C?
Nhìn chung, việc dùng container S.O.C có thể giúp người gửi hàng/FWD/NVOCC đảm bảo được tính kiểm soát, sự linh hoạt và chủ động trong việc vận chuyển hàng hóa hơn.
- Kiểm soát chuỗi cung ứng:
- Người gửi hàng có thể kiểm soát được container, chất lượng container và chủ động trong việc cung cấp container để đóng hàng. Ở nhiều nơi, do sự bất cân đối giữa lượng hàng nhập và xuất khiến số lượng container có sẵn khan hiếm, sử dụng S.O.C sẽ tối ưu hơn so với C.O.C.
- Kiểm soát chi phí:
Trên thực tế, việc sử dụng C.O.C khiến bên gửi hàng có nhiều rủi ro phải chịu phí DEM (lưu container tại bãi) và DET (lưu container tại kho) nếu sử dụng hết thời gian “free time” được áp dụng theo từng hãng tàu. Phí lưu container tại bãi có thể lên đến 15 – 20 đô la Mỹ mỗi ngày và thậm chí đôi khi còn nằm ngoài khả năng kiểm soát của người gửi hàng, đặc biệt đối với những địa điểm có thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp, có nhiều vấn đề về thông quan hay nguy cơ bị gây khó dễ bởi những người vận hành cảng biển.
Bạn nhập khẩu một lô hàng từ Hamburg đến Hải Phòng, hãng tàu cho thời gian miễn phí lưu container tại bãi (DEM) ở Hải Phòng là 5 ngày, tuy nhiên, do rắc rối liên quan đến thủ tục Hải quan, quá 5 ngày nhưng bạn vẫn chưa hoàn thành để giải phóng hàng, kéo container về nhà máy, vì vậy, bạn sẽ phải chịu phí DEM, khiến tổng chi phí của lô hàng tăng lên đáng kể.
Cách phân biệt S.O.C và C.O.C?
Container C.O.C thường có logo của hãng tàu ở phía mặt sau (như hình dưới). Mã hiệu của container được bắt đầu bằng 4 chữ, tương đương với mã SCAC của hãng.
Trong khi đó, container S.O.C, cho dù được mua từ hãng tàu hay bên chuyên sản xuất/cho thuê container, đều không có hình ảnh logo hãng tàu ở mặt sau, và mã hiệu của container thường bắt đầu bằng “NONE”.
Những thông tin còn lại trên container như trọng lượng, trọng tải, thể tích, nhãn dán,… của hai loại container cơ bản đều giống nhau.
Tổng hợp: Dandelion