Một số doanh nghiệp lên kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất về nước
Dưới thời tổng thống Donald Trump, việc đưa các hoạt động sản xuất tại nước ngoài về Mỹ là một trong những mục tiêu quan trọng của chính phủ. Vì vậy, ông đã thực hiện một số biện pháp như: áp thuế với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ các đồng minh và đối thủ, phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, v.v. Kết quả của hàng loạt hành động này là cán cân thương mại Mỹ – Trung không có sự thay đổi đáng kể nào và các doanh nghiệp cũng không có động lực chuyển dịch dây chuyền sản xuất về nước.
Tuy nhiên, tình hình đã “đảo chiều’ khi đại dịch Covid-19 ập đến mang theo những hậu quả nặng nề của đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo ông Claudio Knizek, nhà lãnh đạo toàn cầu về sản xuất tiên tiến tại Công ty tư vấn chiến lược EY-Parthenon, để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp đã tăng tốc di dời các nhà máy sản xuất về Mỹ.
Các nhà máy ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc đang là nơi diễn ra hoạt động sản xuất chính của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, trong thời bối cảnh bệnh Covid, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho giá cước vận chuyển tăng cao và thời gian giao hàng kéo dài. Điều này gây nên tình trạng thiếu nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm và sự chậm trễ trong nhập khẩu hàng hóa. Đây chính là động lực để doanh nghiệp của Mỹ tại nước ngoài lên kế hoạch đưa hoạt động sản xuất về những nơi gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.
Đáng chú ý, vào hồi tháng 12 năm ngoái, hãng xe General Motors cho biết dự kiến họ sẽ chi tới 4 tỷ đô la để mở rộng sản xuất xe điện và pin ở bang Michigan. Trước đó vào tháng 10, hãng chip Micron Technology cũng đưa ra thông báo về kế hoạch đầu tư hơn 150 tỉ đô la cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển chip nhớ trong thập kỷ tới. Ngoài đầu tư tại nước ngoài, công ty này sẽ thực hiện một phần kế hoạch ở ngay tại “xứ sở công nghiệp”.
Làn sóng “hồi hương’” dẫn đầu bởi ô tô và bán dẫn
Ông Claudio Knizek đưa ra dự báo rằng ô tô, bán dẫn, quốc phòng, hàng không và dược phẩm sẽ là các ngành dẫn đầu làn sóng chuyển dịch dây chuyền sản xuất về nước. Đây đều là các ngành sản xuất những sản phẩm phức tạp và đắt tiền. Cụ thể, vào cuối năm ngoái, Toyota thông báo kế hoạch đầu tư 1,3 tỷ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện với 1.750 nhân công ở bang Bắc Carolina. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng bất cứ ngành nghề đòi hỏi lượng lao động chân tay lớn hoặc khó tự động hóa sẽ ít có khả năng quay trở về Mỹ.
Các động thái xây dựng nhà máy mới ở Mỹ của các hãng xe và hãng công nghệ một phần thúc đẩy và tạo động lực cho các ngành nghề phức tạp hơn đưa dây chuyền sản xuất về nước. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất chip cũng được Tổng thống Joe Biden tạo nhiều điều kiện để phát triển trong nước khi ông đang thúc đẩy một dự luật trợ cấp 52 tỷ đô la cho hoạt động này.
Đồng ý kiến với Claudio Knizek, Willy C. Shih, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Harvard cho rằng việc chuyển sản xuất về Mỹ là điều khó khăn đối với các ngành hàng như giày dép, đồ nội thất hoặc đèn trang trí. Lý do bởi Mỹ sẽ khó cạnh tranh được với Trung Quốc, nơi nắm giữ lợi thế lớn về lực lượng lao động khổng lồ, mức lương công nhân rẻ, dễ dàng tiếp cận nguyên liệu thô và các nhà máy hoạt động với chi phí thấp.
Theo Rick Burke, lãnh đạo ở bộ phận chuỗi cung ứng và sản phẩm của hãng tư vấn Deloitte, đến cuối những năm của thập kỷ 2020, các doanh nghiệp Mỹ mới có thể bù đắp được hết các chi phí xây dựng nhà máy và bắt đầu tạo ra một lượng công việc đáng kế trong ngành sản xuất của Mỹ. Dù vậy, Mỹ có thể vẫn phải tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thô và một số thành phần, kinh kiện từ nước ngoài.
Huyền Tú
Mỹ: Phí container rỗng ở cảng Los Angeles gây áp lực cho các nhà vận chuyển