Cụ thể, phân vùng 1 sẽ gồm 15 đơn vị hành chính, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa , Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Hoạt động phân phối hàng hóa tại phân vùng 1
Tại phân vùng này, người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Trường hợp người dân mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện.
Bà Trần Thị Phương Lan – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động trữ hàng tăng 2-3 lần so với nhu cầu bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài vùng 1, nhằm đảm bảo không thiếu hàng cục bộ.
Tại vùng 1, thành phố có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân.
Ngoài ra, tại các khu vực có ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc các quận có nhiều điểm chợ bị đóng, Sở Công Thương sẽ cùng địa phương, doanh nghiệp mở các điểm bán hàng lưu động. Người dân sẽ được UBND các phường/xã thông báo thời gian, địa điểm cụ thể về các điểm bán hàng lưu động.
Sở Công Thương Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương đảm bảo cho các xe vận chuyển được lưu thông bình thường qua các chốt của thành phố và các phân vùng để nguồn cung không bị đứt gãy. Khu vực cách ly, phong tỏa tại vùng đỏ, chính quyền các quận, huyện có thể huy động tổ dân phố, hội phụ nữ, thanh niên, shipper, .v.v để đưa hàng tới từng hộ dân hoặc tới các chốt kiểm soát dịch.
Để đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân, các sở chuyên ngành rà soát danh sách phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an TP Hà Nội cấp mã nhận diện (với ôtô) và cấp Giấy phép đi đường cho các xe máy. Ôtô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào vùng 1. Các shipper chỉ hoạt động trong vùng 1.
Hoạt động phân phối hàng hóa tại vùng 2 và vùng 3
Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân vùng 2 và 3 được đảm bảo trong thời gian này. Người dân được mua hàng thiết yếu thông qua 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 354 cửa hàng gas, gần 1.500 điểm bán hàng lưu động.
Hiện, Hà Nội có 51.111 ôtô được cấp mã QRCode; 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở Giao thông Vận tải. Dự kiến, Sở Giao thông Vận tải sẽ huy động 528 xe tải của các doanh nghiệp tham gia vào cung ứng, vận chuyển hàng hóa.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố luôn bảo đảm chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn. Người dân không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày một lần theo lịch đi mua hàng.
Vân Anh
ĐỌC THÊM
Vận tải đường thủy cũng cần “luồng xanh”?