Các nút thắt chưa được tháo gỡ
Theo khảo sát của Reuters, ít nhất chín chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhà hàng đã trả lời rằng một số nhà hàng của họ đang phải vật lộn với việc thay đổi menu khi nguồn cung nguyên liệu để sản xuất các món chính bị tắc nghẽn. Danh sách các mặt hàng khó tìm hiện nay kéo dài với nhiều nguyên liệu chủ lực vào mùa hè như khoai tây sợi, cánh gà hay kể cả bao bì đóng gói như túi giấy cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Vào ngày 14/06 vừa qua, trang web của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh số 1 Hàn Quốc, Lotteria, đã thông báo rằng món khoai tây chiên nổi tiếng của cửa hàng sẽ được thay thế bằng món phô mai que. Do các tàu chở hàng của chuỗi cửa hàng này gặp tình trạng tắc nghẽn trên biển, cũng như các cuộc kiểm soát dịch kéo dài đã ảnh hưởng đến tính sẵn có của sản phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở việc khan hiếm các nguyên vật liệu hay sản phẩm. Nguyên nhân chính nằm ở mạng lưới giao thông như tàu, xe lửa và xe tải đã phải liên tục đối mặt với áp lực liên tiếp từ đại dịch, khiến cho khả năng chống chịu của hệ thống giao thông trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng số người được tiêm vắc-xin COVID-19 làm bùng nổ nhu cầu ở các nhà hàng, các khu vui chơi. Đây chính là áp lực mới mà các nhà hàng đang phải đối mặt với sự gia tăng đột biến này.
Theo Barry Friends, nhà tư vấn ngành công nghiệp thực phẩm Pentallect, việc ngừng phục vụ các món ăn cốt lõi của nhà hàng trong một thời gian dài, có thể sẽ khiến cho khách hàng trở nên thất vọng, và từ bỏ các cửa hàng “ruột” của mình.
Làn sóng thiếu hụt lan rộng
Có thể thấy vấn đề đã lan rộng ra hầu hết ngành công nghiệp thực phẩm trên toàn cầu.
Hôm thứ năm tuần trước, một cửa hàng nhượng quyền của Wendy’s (WEN.O) ở miền nam Hoa Kỳ cho biết các cửa hàng này chỉ mới nhận được một nửa số rau diếp so với mức họ đã đặt hàng. Trong khi đó một cửa hàng Subway ở Thành phố New York đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thịt bò nướng, gà quay, tương cà và mù tạt cay.
Starbucks cho biết tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu ở công ty này chỉ là tạm thời và có xu hướng thay đổi theo thị trường và từng cửa hàng khác nhau. Một cửa hàng Starbucks ở Poughkeepsie, New York, cho biết họ đã thiếu nhiều mặt hàng khác nhau trong nhiều tháng qua, gần đây nhất là trà xanh đá, siro dolce quế và rau bina, feta và bọc lòng trắng trứng. Bên cạnh đó, Starbucks cho biết điều duy nhất họ có thể làm là tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với hệ thống chuỗi nhà cung ứng của mình.
Trong khi đó, Suzanne Rajczi, Giám đốc điều hành của Ginsberg’s Foods ở ngoại ô New York, cho biết ông đã gặp khó khăn trong việc thực hiện các đơn đặt hàng xúc xích, thịt xông khói Canada và các món ăn phổ biến khác trong thực đơn, khi các nhà hàng, quán ăn đều đồng loạt mở cửa trở lại hoặc mở rộng dịch vụ khi các biện pháp nới lỏng các hạn chế dịch bệnh được áp dụng.
Shane Brennan, Giám đốc điều hành tại Cold Chain Federation, cho biết tại Anh, đại dịch và cuộc đàn áp nhập cư sau Brexit đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung trái cây, rau quả và thực phẩm chế biến sẵn trong các cửa hàng và chuỗi nhà hàng. Khi người lao động nhập cư trở về nước của họ đã tạo ra hàng nghìn lỗ hổng nhân công trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Anh. Trong khi đó, việc đồng loạt mở cửa trở lại các nhà hàng đã gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng.
Huyền Trân
Đọc thêm: Nguy cơ lạm phát do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu