Chính phủ Nhật Bản trong thời gian vừa rồi đã cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính tương đương 2 tỷ đô la Mỹ để giúp các doanh nghiệp đặt trụ sở ở Trung Quốc chuyển dịch chuỗi cung ứng về quê hương, khắc phục tình hình hàng loạt công ty phải đóng cửa do đại dịch Covid-19.
Chính sách này được các nhà lãnh đạo chính phủ xem như một bước đi tối quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Tuần trước, Bộ trưởng bộ Kinh tế Yasutoshi Nishimura đã chia sẻ về vấn đề đất nước mặt trời mọc hiện đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian dài. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là lúc Nhật Bản cần đẩy mạnh sự đa dạng và năng động của chuỗi cung ứng nội địa, mở rộng nguồn cung và nâng cao sản xuất trong nước.”
Hiện tại, nhu cầu đối với hàng khẩu trang đang tăng vọt tại Nhật Bản, tuy nhiên, chỉ mới Iris Ohyama tận dụng được nguồn trợ cấp từ chính phủ để bắt đầu chuyển đổi dây chuyền sản xuất về quê hương.
Nhiều doanh nghiệp Nhật khác đã phản đối mạnh mẽ chính sách này, họ cho rằng việc chuyển các khâu đầu ra trở lại Nhật Bản là một điều hết sức tốn kém và không thiết thực. Các công ty cần tiếp tục duy trì sự hiển diện hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vì hầu hết những sản phẩm của họ đều nhắm vào khách hàng Trung Quốc, đồng thời họ cần đáp ứng được nhu cầu sản xuất “just-in-time” để đảm bảo thời gian giao hàng tối ưu và hiệu suất nhất.
*Just-in-time (JIT) Production: Sản xuất tức thời – khái niệm về hệ thống điều hành sản xuất “đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng địa điểm – đúng thời điểm”, đảm bảo quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng được vận hành hiệu quả nhất, nhanh nhất và tránh lãng phí không cần thiết.
Đại diện tập đoàn Yorozu Corp (công ty sản xuất linh kiện ô tô), ông Chikara Haruta cho biết: “Những sản phẩm của chúng tôi đều có kích cỡ rất lớn, vì vậy, chúng tôi cần ở gần tệp khách hàng để kiểm soát và giảm thiểu chi phí.” Nhà máy của Yorozu Corp nằm ở Vũ Hán, Trung Quốc – chỉ cách nhà máy lắp ráp của Honda Motor 7km.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, hay linh kiện ô tô của Nhật Bản, việc phụ thuộc vào những nhà cung ứng Trung Quốc tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới đương nhiên là một lựa chọn kinh doanh khôn ngoan và sinh lợi lớn.
Nhân viên một công ty sản xuất ô tô Nhật Bản đã trao đổi với Reuters rằng ngay cả doanh nghiệp có mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, việc tách ra khỏi chuỗi cung ứng của cường quốc này là một điều cực kỳ khó. Trong suốt thập kỷ vừa qua, các nhà cung ứng Trung Quốc đã khẳng định vị thế số 1 về nguồn linh kiện đa dạng với chất lượng cao và mức giá thành thấp.
Tập đoàn Toyota Motor, Công ty TNHH Nissan Motor và Honda đầu tư ít nhất mỗi bên 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung Quốc, và các nhà cung cấp của họ cũng phải xây dựng nhà máy gần đó để xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả nhất.
Một nhà cung ứng linh kiện Nhật Bản giấu tên đã phát biểu: “Nơi phần mềm được phát triển cũng chính là nơi phần cứng được sản xuất. Chính sách mới của các nhà lãnh đạo sai lầm ở chỗ chỉ tập trung vào việc làm sao để chuyển các khâu sản xuất quay về nước, mà không xem xét tới tầm quan trọng của hoạt động R&D – Nghiên cứu và phát triển.”
Sự lệ thuộc vào Trung Quốc lên đến mức báo động
Các nhà chính trị ngày càng lo sợ trước tình hình Nhật Bản đang quá dựa dẫm vào công xưởng thế giới – Trung Quốc.
Từ đầu những năm 2000, khi giá lao động của Trung Quốc tăng lên, nhiều nhà lãnh đạo đã thảo luận về chiến lược “Trung Quốc + 1” (China Plus One) để hạn chế những rủi ro xuất phát từ việc xây dựng hầu hết nhà máy và hạ tầng trọng yếu tại Trung Quốc. Vấn đề này tiếp tục thu hút sự quan tâm vào năm 2012 khi căng thẳng giữa Trung và Nhật bị đẩy lên và nhiều doanh nghiệp quyết định đa dạng hoạt động và cơ sở vận hành ra khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, đến tháng 2 năm 2020, Trung Quốc phải đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế để đối phó với đại dịch Covid-19, và tình hình nghiêm trọng này đã đâm một nhát dao vào các doanh nghiệp đang đặt nhà máy tại Trung. Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Nhật rót 2 tỷ đô để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển hoạt động sản xuất về nước. Đồng thời, chính phủ cũng đưa ra khoản vốn tương đương 23,5 tỷ yên nhằm giúp các công ty Nhật đa dạng và củng cố chuỗi cung ứng sang khu vực Đông Nam Á.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Thương mại, tính đến tháng 3 năm 2018, các công ty Nhật có đến 7.400 chi nhánh tại Trung Quốc – tăng lên 60% so với số lượng ghi nhận năm 2008. Cũng trong năm 2018, các nhà máy sản xuất của Nhật tại Trung Quốc đã bán 282 tỷ đô hàng hóa, với 73% giá trị đó được tiêu thụ trên thị trường Trung và chỉ 17% được xuất khẩu trở lại Nhật.
Tại sao các doanh nghiệp Nhật ồ ạt xây dựng hạ tầng tại Trung Quốc?
Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, giữ nguyên chuỗi cung ứng tại Trung Quốc vẫn là một lựa chọn hợp lý về chi phí.
Tập đoàn Sharp Corp vận hành theo mô hình sản xuất pin năng lượng mặt trời siêu mỏng tại Nhật, sau đó bán thành phẩm sẽ được xuất sang Trung Quốc để lắp đặt những linh kiện khác như đèn chiếu hậu, các đầu nối… – quy trình đòi hỏi phải liên tục kiểm tra và điều chỉnh máy móc một cách thủ công.
Theo đại diện của Tập đoàn Sharp: “Những bước sản xuất cuối cùng để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được thực hiện ở Trung Quốc vì quá trình này đòi hỏi nguồn lao động lớn.”
Vì vậy, để mang toàn bộ chuỗi cung ứng trở lại quê nhà, khoản chi phí mà các doanh nghiệp phải chịu sẽ rất đáng kể.
Biên dịch: Dandelion