Doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển chuỗi sản xuất
Theo báo cáo của Capgemini , trong 600 doanh nghiệp Mỹ được khảo sát, 82% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ dịch chuyển một lượng lớn dây chuyền sản xuất từ các nước trên toàn cầu về Mỹ hoặc các nước lân cận.
Những công ty này ước tính sẽ đầu tư 1.4 nghìn tỷ đô để thực hiện sự cải tổ. Các khoản đầu tư sẽ được dành cho đào tạo nhân lực, xây dựng các nhà máy mới, nâng cấp, hiện đại hoá các nhà máy này với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo và máy học.
Nguyên nhân của hiện tượng dịch chuyển chuỗi sản xuất
Theo báo cáo trên, động lực chính bắt nguồn từ nhu cầu ngày càng cao về độ tin cậy của chuỗi cung ứng. Trong đó bao gồm nhu cầu về sự bền vững, nhu cầu tăng tính cạnh tranh, xung đột địa chính trị, những thay đổi trong chính sách của các nước sản xuất, chi phí nhân công tăng cao, nhu cầu về giảm chi phí trong chuỗi cung ứng và logistics.
Ngoài những lý do trên, Amarendra Phadke, CTO của Capgemini cho rằng những tiến bộ gần đây trong khoa học công nghệ cũng là những động lực lớn để chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 những năm vừa rồi cũng là lời cảnh tỉnh đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, các doanh nghiệp dần tái xây dựng chuỗi cung ứng mới thay cho các hoạt động sản xuất và mua nguyên vật liệu xa bờ truyền thống.
Những thách thức trong việc dịch chuyển chuỗi sản xuất
Lực lượng lao động luôn là một vấn đề nan giải kể cả khi xây dựng nhà máy mới do thời đại công nghệ đòi hỏi nhân công phải có kỹ năng để hỗ trợ các hệ thống tự động hoá. Ông Phadke cho biết một lượng lớn tiền đầu tư sẽ phải dành cho đào tạo, nâng cao kiến thức cho người lao động, đồng thời phải trả họ với mức lương cao hơn.
Ngoài ra, việc thay đổi nguồn cung nguyên vật liệu phải cần thời gian, báo cáo của Capgemini cho biết các doanh nghiệp khả năng cao sẽ gặp vô vàn khó khăn khi họ cố gắng chuyển dịch chuỗi cung ứng trong thời điểm này.
Với khó khăn đã nêu trên, doanh nghiệp rút hoạt động khỏi những công xưởng sản xuất lớn trên thế giới sẽ mất đi một vài lợi thế kinh tế quy mô vốn có của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc chuyển dịch về nội địa Mỹ và các nước lân cận cũng tạo ra những lợi thế kinh tế quy mô mới bao gồm giảm rào cản về ngôn ngữ và văn hoá, dễ dàng quản lý do múi giờ lệch ít hơn, giảm quãng đường vận chuyển và thủ tục hải quan.
Nguyễn Thanh Tùng Nguyên