Trong một vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều đồn đoán về việc đề xuất xây dựng sân bay thứ ba tại Thượng Hải. Trong khi không có nhiều thông tin chính thức về bất kỳ sân bay mới nào, phía truyền thông đã đưa tin rằng một sân bay diện tích 20 km vuông có thể sẽ được đặt tại huyện Hải Môn, Nam Thông (nằm ở phía bắc Thượng Hải) và có thể tiếp đón 50 triệu lượt khách mỗi năm.
Theo nguồn tin không chính thức từ các quan chức chính phủ Trung Quốc, sân bay này sẽ có hai đường băng và liên kết trực tiếp với cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt đóng vai trò kết nối sân bay này với Thượng Hải.
Một thông báo không chính thức từ 4 năm trước
Những suy đoán về sân bay thứ ba của Thượng Hải được dựa trên những bình luận được đưa ra vào năm 2017 của giám đốc cơ quan quản lý khu vực Hoa Đông, Trung Quốc (trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc), ông Jiang Huaiyu. Tại hội nghị triển lãm doanh nghiệp hàng không Châu Á vào tháng 4 năm 2017, ông Huaiyu cho biết:
“Ngoài năng lực hiện có, Thượng Hải đang cần một sân bay quốc tế khác có quy mô gấp rưỡi sân bay Hồng Kiều và một sân bay thông thường cỡ lớn.
“Tiềm năng của thị trường ngành hàng không tại Thượng Hải là rất lớn, tại đây chúng tôi đã chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm lên tới hơn 20% trong vài năm qua”.
Hai sân bay hiện tại của Thượng Hải, Phố Đông và Hồng Kiều, có thể đón tiếp 120 triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2019, hai sân bay đã đón khoảng 117 triệu hành khách – gần như tối đa công suất. Lưu lượng hành khách tại hai sân bay này đã tăng gần 6% trong năm 2019.
“Vì vậy, Thượng Hải cần có thêm một sân bay độc lập,” ông Jiang Huaiyu nói thêm.
Sân bay mới sẽ không quá tập trung vào việc vận tải hành khách
Sân bay thứ 3 sẽ tập trung vào tất cả các loại hình hàng không
Theo tiêu chuẩn của các dự án siêu lớn tại Trung Quốc, một sân bay có khả năng tiếp nhận chỉ 50 triệu hành khách mỗi năm chỉ là một điều nhỏ bé. Nhưng có vẻ như bất kỳ sân bay mới nào tại Nam Thông cũng sẽ không tiếp nhận những chiếc A380 của hãng China Southern. Phần lớn lưu lượng hàng không thương mại sẽ được phân bổ vào hai sân bay hiện tại. Các sân bay mới sẽ tập trung phục vụ hàng không đa chủng loại (general aviation), máy bay tư nhân, các chuyến bay từ những sân bay khác (trong tình huống những sân bay đó bị quá tải) và có thể trở thành một trung tâm vận chuyển hàng hóa.
Ý tưởng phân bổ lưu lượng từ hàng không đa chủng loại và máy bay cá nhân ra khỏi các sân bay bận rộn ở Trung Quốc không phải là điều mới mẻ. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện xây dựng khoảng 200 sân bay mới nhằm phục vụ hàng không đa chủng loại.
Vào năm 2019, hãng tin Nikkei Asia ước tính có khoảng 1000 máy bay tư nhân tại Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%. Mặc dù nhiều sân bay lớn nhất và bận rộn nhất của Trung Quốc thường không cho phép những loại máy bay như vậy. Vấn đề chính của việc này là một máy bay tư nhân chỉ chở khoảng 4 người nhưng có thể chiếm chỗ đáp của một chiếc A380 chở 400 người. Tại các sân bay lớn, đông đúc như Phố Đông, việc khai thác hàng không đa chủng loại và phục vụ chuyên cơ cá nhân là một điều không hề hiệu quả.
Sân bay thứ 3 sẽ giúp sân bay Phố Đông giảm áp lực.
Chưa có bất kì thông tin chính thức nào từ chính phủ Trung Quốc
Đến nay, vẫn chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến việc xây dựng sân bay thứ ba ở Thượng Hải. Việc xây dựng vẫn chưa được thực hiện và mốc thời gian cụ thể cũng chưa được công bố. Trong vòng 20 tháng kể từ khi rò rỉ thông tin về việc đề xuất xây dựng sân bay thứ ba, các điều kiện ngoại cảnh ở Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Môi trường kinh tế đang bị thắt chặt, cả ở Trung Quốc và toàn khu vực. Lưu lượng hành khách tại hai sân bay lớn của Thượng Hải cũng đã sụt giảm đáng kể trong năm 2020. Điều đó có thể làm giảm tính cấp thiết của việc xây dựng một sân bay mới như Chính phủ Trung Quốc đã dự đoán trước đó.
Daniel