Xuất khẩu sang EU “tụt hạng”
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 2 năm EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Châu Âu (EU) giảm mạnh. Từ vị trí là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2, chiếm 18% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, EU đã tụt xuống vị trí thứ 5 và chỉ còn chiếm khoảng gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ông Đặng Thành Pha – Giám đốc thu mua Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam, trước “thẻ vàng IUU” đơn vị này xuất khoảng 300 tấn ghẹ sang EU mỗi năm, nhưng hiện nay đang dừng hẳn các đơn hàng do các tàu đánh bắt ghẹ hầu hết đều nhỏ và không vào cảng lớn, vì vậy các tàu không có giấy xác nhận của Cảng về nguồn gốc xuất xứ ghẹ dẫn đến việc Công ty không thể làm LC theo yêu cầu của EU.
Còn Công ty CP Thủy sản Bình Định đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EU về nguồn gốc xuất xứ thủy sản (cá ngừ đại dương). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của “thẻ vàng” IUU khiến mọi container hàng sang EU đều bị cơ quan hữu quan nước bạn dừng kiểm tra. Trước đây xuất khẩu sang EU chiếm 60 – 79% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty, nhưng hiện nay giảm chỉ còn khoảng 40% (năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang EU vào khoảng 30 triệu USD), đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thị phần này hiện chỉ còn khoảng 30%.
“Thời gian dừng hàng có thể lên tới 20 ngày khiến tiến độ giao hàng trễ khiến nhiều đối tác quay sang tìm nhà cung cấp ở thị trường khác. Mặt khác dừng kiểm tra hàng hóa gây phát sinh chi phí kiểm tra lớn, doanh nghiệp không có lãi quay sang tìm thị trường xuất khẩu mới. Phải giảm kim ngạch sang EU là một “lãng phí””, bà Cao Thị Kim Lan – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, đồng thời là Ủy viên VASEP nói.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho rằng thủy sản Việt Nam có một ưu thế cạnh tranh ở thị trường Châu Âu rất lớn. “Chúng ta có nguồn thủy sản của miền nhiệt đới, rất phong phú, vượt trội so với nguồn thủy hải sản tại EU. Bên cạnh đó, hiện mới chỉ có Việt Nam và Singapore kết thúc đàm phán FTA với EU mà lợi thế của Singapore không phải là thủy sản, thì cơ hội trao cho Việt Nam”, ông Lĩnh phân tích và nói thêm “chúng ta còn có ưu thế về giá thành cạnh tranh. Chế biến thủy sản Việt Nam có công nghệ tiên tiến nhất nhì thế giới, nguồn nhân lực dồi dào (thủ công), điều này góp phần rất lớn để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”.
Cơ hội lớn từ EVFTA
Theo ông Lĩnh, EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt, ổn định, dù vậy, thuế nhập khẩu các mặt hàng thủy sản vào EU đang rất cao (từ 8 – 18%) vì vậy EVFTA nếu được thông qua sẽ là một cơ hội rất lớn cho thủy sản Việt Nam bứt phá kim ngạch xuất khẩu. “Ví dụ như Thuận Phước, Chúng tôi kỳ vọng có thể gia tăng thêm cho mình từ 8 – 10% lợi nhuận nếu tận dụng tốt được EVFTA”, ông Lĩnh nói.
Bà Cao Thị Kim Lan thì kỳ vọng EVFTA sẽ là một liều “Doping” kích thích doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực quay lại chiếm thị phần nhiều hơn tại EU. “EVFTA nếu được thông qua ở thời điểm hiện tại sẽ có tác động rất tích cực để doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản định hình lại thị trường và nỗ lực tận dụng được các ưu đãi thuế quan của hiệp định”, bà Lan nói. Ở góc độ đại diện VASEP, bà Lan cho rằng EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU lộn ngược dòng tăng mạnh và đưa EU trở lại vị trí là thị trường trọng điểm lớn nhất nhì, thậm chí là thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, nếu cùng với đó vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU đạt hiệu quả.
“Dù rất muốn vào EU nhưng trong năm 2020 chúng tôi chưa có kế hoạch sẽ quay trở lại được, tuy nhiên, nếu vấn đề IUU có thể giải quyết khả quan hơn và đặc biệt EVFTA được thông qua, chúng tôi chắc chắn sẽ nỗ lực “mở cánh cửa” để vào thị trường này”, ông Đặng Thành Pha chia sẻ.
Nguồn: congthuong.vn