Giá cước duy trì mức cao trong 2-3 năm tới
Kể từ sau khi đại dịch bùng phát, sự ùn tắc tại các cảng biển lớn ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã làm cho thời gian quay vòng của tàu kéo dài thêm 20%-25%. Điều này gây nên khủng hoảng khan hiếm tàu và vỏ container rỗng, đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Trong khi đó, nhu cầu hồi phục kinh tế sau đại dịch khiến khối lượng vận chuyển bằng container trên toàn cầu dự kiến tăng 6%-8%/năm. Do đó, nhiều tổ chức tư vấn hàng hải dự đoán thị trường này sẽ giữ mức giá hiện nay trong 2-3 năm tới.
Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Long Sài Gòn cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn chưa được khắc phục là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến container hàng từ châu Âu, Mỹ về Việt Nam chậm hơn trước. Do vậy, không có container rỗng để xuất hàng đi và tình trạng này dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Doanh nghiệp lao đao khi giá cước tăng gấp 10 lần
Theo thông tin từ ông Xuân Châu, trước khi đại dịch xảy ra, giá cước một container lạnh 40 feet đi châu u khoảng 1.600-1.800 USD và đi Mỹ khoảng 2.000-2.200 USD. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã dần được kiểm soát, hàng hóa lưu chuyển nhiều hơn nhưng cước container loại nêu trên đi châu Âu vẫn lên tới 16.000-18.000 USD và đi Mỹ là 22.000 USD.
Bà Trần Thị Ngọc Nga, làm việc tại công ty RFA, cho hay nếu những năm trước, khách hàng chỉ quan tâm đến giá điều nguyên liệu và giá điều nhân, thì nay phải theo dõi thêm giá cước tàu biển. Đặc điểm của ngành điều là phải nhập phần lớn nguyên liệu từ châu Phi về chế biến rồi xuất khẩu. Khi cước vận tải tăng, chi phí cũng bị đội lên theo. Bên mua tại Mỹ hiện rất dè chừng trong việc nhập hàng, nhiều khách hàng có tâm lý chờ giá cước ổn định mới đặt hàng.
Với giá cước như trên, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn mà ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, bởi ngành này phụ thuộc gần như toàn bộ nguyên vật liệu nhập khẩu. Hậu quả đã có không ít nông dân bỏ ao, bỏ trại vì càng chăn nuôi càng lỗ.
Doanh nghiệp dần chủ động ứng phó
Đối diện với tình hình hiện tại, Tập đoàn Phúc Sinh chủ động thỏa thuận để bên mua trả phí vận chuyển. Vào ngày 23/3, doanh nghiệp này đã đóng được 30 container cà phê các loại để xuất đi nhiều nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu 3 tháng đầu năm của công ty tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Các đơn hàng đạt hiệu quả nhờ mặt bằng giá nông sản thế giới đang tăng. Công ty cũng ký nhiều hợp đồng giao xa cho khách, trong đó có điều khoản về giá vận chuyển theo giá thị trường vào thời điểm giao.
Thanh Hà
Giá cước vận chuyển tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế