Vào thứ hai tuần này, doanh nghiệp nhà nước Qatar Petroleum công bố về việc hoàn tất ký kết thỏa thuận sản xuất hơn 100 tàu chở LNG với ba doanh nghiệp đóng tàu ở Hàn Quốc, bao gồm: Công ty TNHH Công nghiệp nặng Hyundai (Huyndai Heavy Industries), Tập đoàn Cơ khí hàng hải và Đóng tàu Daewoo (Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering) và Công ty Công nghiệp nặng Samsung (Samsung Heavy Industries). Đây được xem là đơn đặt hàng với giá trị và số lượng kỷ lục trong lịch sử, và cả ba tập đoàn dự kiến sẽ mất 7 năm để hoàn thiện được toàn bộ đơn hàng này.
Qatar Petroleum hiện tại sở hữu 74 tàu chở dầu và lên kế hoạch mở rộng quy mô hạm đội lên 190 tàu trước 2027 để chuẩn bị cho sự bùng nổ trong nhu cầu đối với mặt hàng LNG. Những nhà đóng tàu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, và Nhật Bản đã “điên cuồng” nỗ lực cạnh tranh để cắn xé được miếng bánh “ngon” này.
Thương vụ này thực tế đã được khởi động từ hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Qatar diễn ra vào tháng 01 năm 2019. Những nhà lãnh đạo các công ty đóng tàu hàng đầu Hàn Quốc đã có cơ hội truyền thông, giới thiệu về công ty trực tiếp trước bộ trưởng năng lượng Qatar xuyên suốt hội nghị và quá trình đàm phán đã diễn ra trong bí mật.
Thông tin về số lượng đặt hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá chính xác sẽ được quyết định trước năm 2024, và hai bên cũng có quyền hủy thực hiện một phần hợp đồng.
Vào năm 2004, Qatar Petroleum đã từng ký kết và thực hiện hợp đồng với 03 xưởng đóng tàu cho đơn hàng hơn 50 tàu chở LNG.
Sau thông báo về thỏa thuận lịch sử này, giá cổ phiếu của Huyndai Heavy Industries đă tăng 6%, trong khi giá cổ phiếu của Daewoo Shipbuilding và Samsung Heavy tăng mạnh với tỷ lệ lần lượt là 14% và 18%.
Như đã nêu trong bài báo trước về thị trường LNG, hiện thị trường hàng hóa trên toàn cầu đang bất ổn do tác động của đại dịch Covid-19, giá dầu thô chạm đáy và nhu cầu đối với xăng dầu, LNG cũng giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguồn LNG vẫn được dự đoán sẽ tăng lên nhờ vào mức độ ảnh hưởng tới môi trường của LNG thấp hơn nhiều so với dầu hay than đá.
Thị trường đóng tàu khu vực châu Á
Việc xây dựng các loại tàu đặc thù để chuyên chở LNG đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ thuật phức tạp, vì LNG cần phải được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ dưới -150 độ C trên một tuyến đường biển dài để đến điểm cuối. Trước đây, một số tập đoàn đóng tàu Nhật Bản đã nắm được ưu thế vượt trội trong ngành sản xuất tàu LNG như công ty công nghiệp nặng Mitsubishi và công ty công nghiệp nặng Kawasaki, nhưng đáng tiếc là, những công ty này, tại thời điểm hiện tại, đã bị bỏ xa bởi đối thủ Hàn Quốc.
Trên bản đồ xếp hạng các quốc gia mạnh về đóng tàu, Trung Quốc đang ngày càng chứng minh được thực lực. Tập đoàn đóng tàu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – China State Shipbuiding (CSSC) đã thông báo vào tháng 4 vừa rồi về hợp đồng sản xuất tàu có giá trị khoảng 2,8 tỷ đô đã được ký kết với Qatar Petroleum.
CSSC được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa hai công ty đóng tàu lớn nhất Trung Quốc, được chống lưng bởi chính phủ và ngân hàng nhà nước. Tập đoàn này ưu tiên đáp ứng các đơn hàng từ những hãng tàu trong nước, và các tàu phục vụ hải quân. Nhờ vào nhu cầu nội địa cực kỳ lớn, CSSC đã trở thành công ty đóng tàu lớn nhất thế giới dựa trên tiêu chí “lượng đặt hàng” trong quý 1 năm 2020.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng tàu của Nhật Bản lại không đủ năng lực xử lý được nhiều đơn hàng cùng một lúc. Đây cũng chính là một điểm bất lợi cho họ khi tham gia vào cuộc chiến để đạt được hợp đồng với Qatar Petroleum. Một liên doanh về tàu LNG giữa Imabari Shipbuilding và Mitsubishi Heavy thậm chí còn không nhận được bất cứ đơn đặt hàng mới nào trong những năm gần đây.
Biên dịch: Dandelion