Đại dịch Covid-19 khiến Nhật Bản phải đối diện với rủi ro thiếu hụt lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (sau đây sẽ gọi chung là LNG – Liquidified Natural Gas) – nguồn nhiên liệu chính để sản xuất năng lượng điện cho toàn bộ quốc gia này.
40% tổng điện năng phục vụ cho đất nước mặt trời mọc đều phụ thuộc vào LNG xuất khẩu từ khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Tuy nhiên, vì tính chất của LNG không phù hợp để dự trữ dài hạn, Nhật Bản hiện tại chì còn đủ lượng khí thiên nhiên hóa lỏng cho hai tuần tới.
Để ứng phó với nguy cơ này, JERA – công ty nhập khẩu LNG lớn nhất Nhật Bản đã thực thi nhiều giải pháp cấp bách, trước hết là đối với những cảng biển mà tàu chở LNG cập bến.
Nhiều lều ngủ cho nhân viên đã được dựng thành hàng tại phòng họp của một trạm năng lượng JERA ở Shinagawa – trạm cung cấp điện cho toàn bộ thủ đô Tokyo và vùng lân cận. Nhân viên công ty được yêu cầu sẽ ngủ và sinh hoạt tại các trạm năng lượng, vì việc di chuyển bằng phương tiện công cộng trong thời điểm hiện tại là quá nguy hiểm. Người lao động tại cảng không được phép lên các tàu chở LNG khi tàu cập bến. Quy trình làm việc cũng được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo nguồn cung LNG không bị gián đoạn.
Việc tiến hành những biện pháp khẩn cấp như trên nhấn mạnh vai trò quan trọng của các trạm năng lượng tại Nhật và nguồn khí nhiên liệu hóa lỏng. Những nhà máy phát điện JERA tạo ra 26 triệu kilo oát điện, chiếm khoảng 30% tổng lượng điện sản xuất từ LNG ở Nhật Bản. Nếu dịch bệnh khiến cho các nhà máy này phải đóng cửa, toàn bộ thủ đô Tokyo sẽ chìm trong bóng tối.
Vai trò của LNG đối với Nhật Bản
Trước ngày 11 tháng 03 năm 2011, LNG chiếm 28% tổng lượng điện khí sản xuất ra tại Nhật Bản.
Khác với dầu, vì tính chất các thành phần của LNG, loại khí này không phù hợp để dự trữ trong thời gian dài. Trong quá trình vận chuyển, nguồn nhiên liệu này phải được duy trì trạng thái lỏng tại nhiệt độ âm 162 độ C và cũng dễ bị bốc hơi. Vì vậy, hiện tại, Nhật Bản chỉ có nguồn tổn kho LNG đủ cho hai tuần.
Ngoài ra, thời gian vận chuyển LNG từ Trung Đông đến Nhật Bản mất khoảng 01 tháng. Nhật Bản sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng về năng lượng trong trường hợp quá trình vận chuyển này bị gián đoạn. Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định nếu Covid-19 tiếp tục trở nên trầm trọng, Nhật Bản sẽ phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến lượng LNG nhập khẩu.
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu lớn tại Nhật cho biết: “Trong trường hợp một người lao động trên tàu dương tính với Covid-19, tất cả những người liên quan đều phải xét nghiệm và tàu phải được khử trùng. Nghiêm trọng hơn, con tàu sẽ không được phép cập bến tại cảng.”
Đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (the Ministry of Economy, Trade and Industry) cho hay: “Việc phụ thuộc gần 50% năng lượng điện của Nhật Bản vào nguồn LNG là một điều rất rủi ro”. Vì vậy, từ trước đến nay, đất nước mặt trời mọc luôn cố gắng duy trì nguồn năng lượng điện phong phú, bao gồm: hạt nhân, khí thiên nhiên hóa lỏng, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo.
Tình hình các nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản
Vào năm 2017, do tác động của khủng hoảng hạt nhân Fukushima, nhiều nhà máy nhiệt điện ngưng hoạt động, lượng điện khí sử dụng LNG đã tăng lên 40%. Sau đó, khi thế giới bắt đầu áp dụng những tiêu chuẩn gắt gao đối với việc vận hành các nhà máy hạt nhân, chỉ 3 trên 10 công ty cung cấp năng lượng điện được phép hoạt động trở lại.
Đại dịch Covid-19 cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến các nhà máy hạt nhân. Một nhân viên hợp đồng tại nhà máy năng lượng hạt nhân Genkai tại quận Saga đã bị kết luận dương tính với Covid-19, khiến quá trình xây dựng nhà máy phải dừng lại tạm thời.
Thực tế, từ đầu năm, Nhật Bản đã bắt đầu đối phó với nguy cơ thiếu nguồn điện năng, khi nhà máy hạt nhân Sendai tại tỉnh Kagoshima phải ngừng hoạt động do không đáp ứng điều kiện chống khủng bố. Lò phản ứng số 3 tại nhà máy hạt nhân Ikatar, tỉnh Ehima cũng bị đình chỉ theo lệnh của tòa. Số lượng lò phản ứng hạt nhân vận hành trong năm 2020 được dự đoán sẽ giảm một nửa – 9 lò xuống còn 4 đến 5 lò, do đó Nhật Bản sẽ không thể tiếp tục phụ thuộc vào lượng điện sản xuất từ nhà máy hạt nhân.
Nguồn năng lượng của Nhật Bản chỉ đủ cung ứng 10% nhu cầu nội địa. Xu hướng giảm thiểu carbon đã gây nhiều bất lợi cho các nhà máy sản xuất điện bằng than đá, làm tăng mức độ phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng. Để tránh nguy cơ mất cân bằng nguồn cung điện năng, Tokyo Electric đã đẩy nhanh việc tái vận hành nhà máy hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata.
Đại dịch Covid đang thách thức khả năng của chính phủ Nhật Bản trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng để đối phó với rủi ro mất cân đối nguồn cung ứng điện tại quốc gia này.
Dịch và biên tập bởi: Dandelion