Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm dặt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn điều chỉnh trong 10 tháng qua tăng chủ yếu là do có Dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và Dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Ngoài ra, còn có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 6,11 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ. Con số này cũng đã khiến cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 37,1% trong 8 tháng năm 2019 xuống 26% trong 10 tháng năm 2020).
Điều đáng chú ý là, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm, ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Những con số thống kê này một lần nữa cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới đầu tư nước ngoài như thế nào, kể cả là vốn đăng ký mới hay vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần, hay vốn giải ngân.
Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục, duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh tốt, tạo đà cho bước tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm 2020.
Đặc biệt, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy vậy, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo, lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Nếu tính theo đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua, với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,…
Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (528 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (294 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (226 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…