CPFR là gì?
Hợp tác lập kế hoạch, dự báo và bổ sung (CPFR) là một hoạt động kinh doanh tăng cường tích hợp hệ thống chuỗi cung ứng với việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các hoạt động chung giữa các bên trong chuỗi cung ứng. Thông tin được chia sẻ giữa các nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và những bên khác trong các kênh cung ứng để lập kế hoạch và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Các hoạt động (CPFR) chính để nâng cao hiệu suất của các bên trong một chuỗi cung ứng bao gồm:
- Chiến lược và kế hoạch (Strategy and planning): Các đối tác xác định phạm vi hợp tác và chỉ định vai trò, trách nhiệm của mỗi bên. Trong một kế hoạch kinh doanh chung, họ xác định các sự kiện quan trọng như khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm mới, khai trương/đóng cửa cửa hàng và những thay đổi trong chính sách hàng tồn kho ảnh hưởng đến cung và cầu.
- Quản lý cung cầu (Demand and supply management): Từ những dự báo về nhu cầu của người tiêu dùng tại điểm bán hàng (POS), nhà cung ứng có thể xác định số lượng đơn đặt hàng trong tương lai và thời gian giao hàng theo kế hoạch.
- Thực hiện (Execution): Các hoạt động chính liên quan tới việc sản xuất, vận chuyển, nhận và dự trữ sản phẩm.
- Phân tích (Analysis): Trong một số trường hợp, nhu cầu có sự biến động bởi những tình huống ngoại lệ. Do đó, CPFR giúp các doanh nghiệp theo dõi kế hoạch, xác định các ngoại lệ và các chỉ số đánh giá hiệu suất hoặc xác định xu hướng hoạt động.
Lợi ích CPFR mang lại
CPFR cung cấp một nền tảng theo dõi liên tục các tín hiệu nhu cầu, từ đó, các doanh nghiệp có thể đáp ứng kịp thời những thay đổi trong nhu cầu khách hàng. Một khi xác định được tín hiệu tăng cầu, các nhà cung cấp có thể thay thế, phân bổ lại nguồn lực sản xuất và các phương pháp tiếp cận khác để đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu khách hàng.
CPFR cũng giúp dự báo chính xác hơn nhu cầu của thị trường, ngăn chặn sự xuất hiện của “hiệu ứng Bullwhip”. Việc chia sẻ một dự báo thống nhất dọc theo chuỗi cung ứng cho phép người tham gia hưởng lợi từ sự phối hợp và khả năng tập trung của các đối tác. Tuỳ thuộc vào vị trí của họ trong chuỗi cung ứng và các hoạt động trong chuỗi cung ứng, các đối tác có thể có những quan điểm khác nhau về thị trường và thông tin, cũng như dữ liệu người tiêu dùng, kinh nghiệm và dữ liệu nghiên cứu khác nhau. Kết hợp kiến thức này là nền tảng tăng độ chính xác của dự báo.
Ngoài ra, CPFR giúp giảm tình trạng hết hàng và rút ngắn chu kỳ đặt hàng khiến chuỗi cung ứng phản ứng nhanh hơn và đáng tin cậy hơn, do đó cải thiện lượng sản phẩm có thể cung cấp và tăng sự hài lòng của người tiêu dùng. CPFR giúp đưa đúng sản phẩm vào đúng nơi và đúng thời điểm.
Rủi ro và rào cản đối với việc thực hiện CPFR
Bên cạnh những lợi ích thì mô hình CPFR cũng tồn tại một số rủi ro. Việc chia sẻ thông tin trên quy mô lớn sẽ dẫn tới nguy cơ bị lạm dụng thông tin. Thông thường, một hoặc cả hai đối tác CPFR đều có mối quan hệ với các đối thủ cạnh tranh của đối tác.
Việc thực hiện CPFR cũng đòi hỏi sự tương tác chặt chẽ giữa các bên. Do đó, nếu một trong các đối tác thay đổi quy mô hoặc công nghệ, đối tác kia buộc phải tuân theo hoặc từ bỏ mối quan hệ hợp tác.
Heineken USA Inc.: Ví dụ điển hình về hoạt động hợp tác trong chuỗi cung ứng
Các loại bia thông thường có hạn sử dụng từ sáu đến chín tháng, tuy nhiên, trước đây, Heineken đã phải mất 10 – 12 tuần để giao bia cho nhà phân phối của mình – gần một nửa thời gian sử dụng.
Vào năm 1995, Heineken quyết định triển khai phần mềm Voyager XPS ứng dụng Logility’s CPFR và Internet nhằm kết với khách hàng và nhà cung cấp. Tất cả các thông tin trao đổi đều được tập trung tại cơ sở dữ liệu trung tâm. Thông qua hệ thống, Heineken có thể nắm bắt kịp thời các dữ liệu liên quan đến báo cáo bán hàng lượng hàng tồn kho, xác nhận các dự báo hoặc đơn đặt hàng từ phía nhà phân phối. Bên cạnh đó, các nhà phân phối có thể truy cập vào hệ thống để biết thông tin về các dự báo, các chương trình tiếp thị và khuyến mại cũng như theo dõi và truy tìm đơn hàng.
Kết quả, khả năng dự báo và lập kế hoạch của công ty đã được cải thiện. Cụ thể, thời gian giao hàng giảm xuống còn từ 4 – 6 tuần, vòng quay hàng tồn kho đã giảm khoảng 10 ngày, thời gian thực hiện đơn đặt hàng đã giảm từ ba tháng xuống ba đến bốn tuần. Bên cạnh đó, chi phí mua nguyên vật liệu và chi phí dự trữ hàng tồn kho cũng giảm đáng kể, trong khi chất lượng sản phẩm không hề thay đổi.
Ngoài ra, xếp hạng dịch vụ khách hàng của Heineken đã tăng gấp đôi kể từ khi ứng dụng hệ thống. Tính hiệu quả của hệ thống đã giải phóng thời gian cho đội ngũ bán hàng của Heineken, giúp họ có nhiều cơ hội tập trung vào việc bán hàng hơn là theo đuổi những đơn đặt hàng chậm trễ.
Đặng Trà My