Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG – Liquidified Natural Gas) trong những năm gần đây luôn được xem là mặt hàng hái ra tiền, và đã thúc đẩy các nhà đầu tư cùng các hãng tàu nhúng tay vào thị trường năng lượng, đồng thời, thực hiện nhiều dự án xuất khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu tại khu vực châu Á.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu đối với LNG chạm đáy, kéo theo lợi nhuận giảm sút. Một số dự án khí thiên nhiên đã bị ngưng trệ do mức giá thấp kỷ lục và thiếu kho bãi đủ tiêu chuẩn để dự trữ lượng LNG tồn đọng.
Khí thiên nhiên hóa lỏng – Mặt hàng hái ra tiền cho các nhà đầu tư
Những con tàu chở LNG được định giá ở mức trung bình 175 triệu đô mỗi chiếc và chi phí vận hành đối với loại tàu này đắt hơn rất nhiều so với các loại khác do việc sử dụng nhiều máy móc đặc thù. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với xu hướng tìm kiếm nguồn năng lượng sạch để thay thế dầu và than đá, nhu cầu mua bán khí thiên nhiên đang ngày càng tăng vọt, và thị phần của loại hàng hóa này trong thị trường thương mại thế giới cũng vì thế trở nên cao hơn.
Nhu cầu LNG đặc biệt tăng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc, cùng lúc đó, sản lượng sản xuất khí thiên nhiên tại Mỹ cũng được đẩy mạnh nhờ vào sự tiến bộ về công nghệ thủy lực cắt phá giúp tối ưu hóa chi phí khoan dầu và gas. Cụ thể, chi phí sản xuất LNG tại Mỹ thấp hơn một nửa so với chi phí ở Châu Âu, và chỉ bằng 2/3 chi phí sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng tại khu vực Trung Đông.
Nhu cầu vận chuyển LNG giảm mạnh
Đại diện một công ty Hy Lạp sở hữu nhiều phương tiện vận chuyển gas cho biết: “Tính đến một năm trước, bất cứ công ty nào hoạt động trong ngành chuyên chở đường biển thì dường như sẽ phải sở hữu ít nhất một con tàu chở LNG. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, hiện nay trọng tải hàng hóa giảm sút, kho bãi thiếu hụt và nhu cầu chỉ phục hồi khi đại dịch đi qua. Trước đó, chúng tôi đã lên kế hoạch đặt thêm hai tàu chở LNG vào mùa hè năm nay, nhưng tình hình thị trường thất thường như hiện tại đã khiến chúng tôi phải hoãn việc thực hiện kế hoạch đó.”
Trong bản báo cáo ngày 28/05, Energy Information Administration – EIA (Tạm dịch: Cơ quan thông tin năng lượng) đã thống kê lượng khí thiên nhiên được giao đến cho các nhà máy Mỹ sản xuất LNG xuất khẩu được ghi nhận ở mức 6,7 tỷ feet khối (tương đương gần 190 triệu mét khối) mỗi ngày vào tháng 5 – mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Thực tế, lượng LNG xuất khẩu được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuyên suốt mùa hè năm nay, theo EIA, với nhiều bên nhập khẩu đã hủy đến 20 chuyến vận chuyển LNG vào tháng 6 và lên đến 45 chuyến vào tháng 7. Hầu hết các lô LNG bị hủy đến từ các nhà máy của Cheniere Energy Inc. tại Texas và LA.
Các khoản đầu tư vào tàu chở LNG bị trì hoãn
Không khí u ám bao trùm thị trường xuất khẩu LNG không chỉ xuất phát từ đại dịch Covid, mà còn bị tác động tiêu cực bởi nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng vào 02 năm vừa qua và chiến tranh thương mại đầy căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% trong năm 2020, vì vậy, chủ tàu hay các hãng tàu đều do dự và xem xét kỹ lưỡng về việc quyết định đầu tư hàng tỷ đô để mua tàu chở dầu mới.
Đế chế khai thác dầu vùng Trung Đông – Saudi Aramco và Bahri – công ty sở hữu và vận hành VLCCs (Tàu chuyên chở dầu thô cực lớn) của Ả Rập Xê Út đã trì hoãn đơn đặt 12 tàu chở dầu với giá trị lên đến 2,5 tỷ đô. Đầu tháng 5, đại diện công ty Sempra Energy ở San Diego đã hoãn quyết định đầu tư vào dự án xuất khẩu LNG từ Port Arthur, Texas đến năm 2021 do ảnh hưởng của lệnh cách ly xã hội lên tình hình kinh tế, thị trường trên toàn thế giới.
Dự đoán về thị trường LNG trong tương lai
Theo EIA, Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong khoảng 04 năm tới và Mỹ cũng sẽ nắm vị thế số 1 về xuất khẩu LNG. Tuy nhiên, do mối căng thẳng giữa hai bên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chuyển hướng nhập khẩu nguồn LNG từ các nhà cung ứng khác ngoài Mỹ.
Hiện tại, Qatar đang là nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới, và đã từng lên kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu chở LNG lớn với đơn đặt hàng lên tới 40 chiếc. Tuy nhiên, kế hoạch này chắc hẳn sẽ bị trì hoãn hoặc quy mô đơn đặt hàng sẽ phải giảm đi, xét theo tình hình thị trường.
Thị trường LNG đang bắt đầu trở thành một “tàu lượn siêu tốc” với nhiều rủi ro và bất ổn như các mặt hàng khác. Mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên ổn định hơn khi thế giới chiến thắng được đại dịch, tuy nhiên những kỳ vọng tốt đẹp của nhà đầu tư hay các bên vận hành tàu đối với việc vận chuyển LNG cũng đã vơi đi phần nào./
Biên dịch: Dandelion