Theo ghi nhận trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã ra thông báo đến các nhà thầu về việc giảm giá thép. So với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6/2021 đã giảm khoảng 750 nghìn đồng– 1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo thương hiệu và sản phẩm). Tính từ đầu tháng 6 đến nay, thép xây dựng đã có hai đợt giảm giá, trước đó là ngày 9/6/2021.
Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam hiện ở mức 16,6 triệu đồng – 16,7 triệu đồng/tấn, thép cây D10 ở mức 16,8 triệu đồng – 16,9 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm xuống mức giá tương đương với thép Hòa Phát, với giá thép cuộn CB240 rơi vào khoảng 16,7 triệu đồng/tấn; còn thép D10 CB300 ở mức 16,8 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, thép Kyoei tại miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 tương đối ổn định ở mức 16,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có mức giá 17 triệu đồng/tấn.
Cùng với đó, hai sản phẩm của công ty thép Thái Nguyên cũng giảm nhẹ với thép cuộn CB240 hiện có giá 16.340 đồng/kg; còn thép D10 CB300 là 17.000 đồng/kg. Thương hiệu Thép Mỹ tại miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá là 17,1 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân giá thép giảm sau chuỗi ngày tăng liên tiếp được cho là do nhu cầu thi công xây dựng giảm. Tháng 6,7 hàng năm là mùa mưa, các công trình ít thi công số lượng thép bán ra sẽ ít hơn, giá cũng thường được điều chỉnh giảm xuống. Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng, giá thép có thể tăng trở lại.
Theo nhiều chuyên gia, việc giá thép tăng mạnh trong thời gian trước đó đã tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh, cụ thể và trực tiếp nhất là hoạt động xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy giá nhà ở tăng cao, v.v. Ở tầm vĩ mô, giá thép và vật liệu xây dựng tăng cao gây khó khăn cho công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
Vì vậy, thời gian vừa qua các Bộ, ngành liên quan đã đề ra một số giải pháp nhằm kiềm chế đà tăng giá thép như tăng sản lượng sản xuất thép trong nước, kiểm soát chặt chẽ thị trường, ưu tiên phân phối trong nước hơn là xuất khẩu và tránh tình trạng đầu cơ tích trữ. Bộ Công Thương còn thành lập các đoàn công tác, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thép nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, tình hình cung cầu đối với nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thép thành phẩm để có những biện pháp kịp thời để bình ổn giá.
Hồng Đào