Giá gỗ nhập khẩu tăng cao bởi chi phí vận tải
Thời gian cuối năm luôn là thời điểm diễn ra những ngày lễ lớn trên khớp thế giới, theo đó nhu cầu về hàng hóa của người dân cũng tăng cao, đồng nghĩa với việc ngành logistics sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu về hàng hóa. Nhưng đến nay những vấn đề như tình trạng thiếu container, thiếu kho bãi, thiếu lực lượng lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những vấn đề đó đã đẩy giá cước vận tải lên cao và các doanh nghiệp cung ứng gỗ nguyên liệu cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước cho biết, kể từ cuối năm 2020 cho đến nay, giá cước container chiều về đã tăng lên 4-5 lần so với trước đó, giá cước hiện nay dao động từ 3000 – 4000 USD/cont. Kéo theo sự tăng mạnh của giá cước, giá gỗ cũng tăng theo. Kể từ tháng 4 đến nay, giá gỗ bạch đàn theo đường tàu đã có 3 đợt tăng, ở mức 25 USD/m3, trong khi đó vận chuyển theo hình thức container đường biển tăng lên 32 USD/m3.
Ông Phước cho biết thêm, doanh nghiệp của ông vừa sản xuất các sản phẩm đồ nội thất, vừa cung cấp gỗ nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp khác. Về nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sản xuất đến tháng 4/2022, nhưng chỉ chiếm 30 – 35% tổng kho gỗ.
Nếu trong hai tháng nữa, Tân Phước không nhập khẩu gỗ về thì nguồn cung của một số khách hàng sẽ bị gián đoán và có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cục bộ, đỉnh điểm sẽ vào tháng 3/2022. Đối với những trường hợp khách hàng không chấp nhận với việc tăng giá thì doanh nghiệp này đành phải chấp nhận mất thị trường, bởi bán với giá thấp hơn họ sẽ bị lỗ nặng.
Thiết lập mức giá mới cho gỗ xuất khẩu
Khi giá gỗ nguyên liệu đầu vào cùng với giá cước vận tải tăng một cách phi mã, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sẽ phải đàm phán lại giá của hàng hóa với đối tác nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa), sẽ có hai biện pháp chính để các doanh nghiệp đối phó với tình trạng trên. Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ tăng giá các sản phẩm gỗ theo giá nguyên liệu. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đàm phán với đối tác tăng 10 – 15% giá sản phẩm. Hoặc, doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại sản phẩm, chọn mặt hàng thế mạnh, nguyên liệu sẵn có, chi phí sản xuất thấp để bảo vệ biên lợi nhuận.
Mặc dù đang trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhiều gia đình vẫn chú trọng quan tâm đến đồ nội thất, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến tháng 6/2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn dè chừng, không dám ký các đơn hàng quá lớn, quá dài hạn vì giá cước vận tải, giá nguyên liệu chưa ổn định, độ rủi ro cao.
Các doanh nghiệp chưa lường trước được diễn biến tăng giá nguyên liệu cũng như giá cước nên họ đang gặp khó khăn với những đơn hàng cũ. Theo đó, doanh nghiệp phải thỏa thuận với khách hàng về mức giá phù hợp trên tinh thần chia sẻ giữa hai bên vì đặc thù sản phẩm nội thất được làm theo kích thước, kiểu dáng của đơn hàng. Nhưng nếu tăng giá cao, khách hàng không nhận hàng thì doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bí và đằng nào cũng sẽ phải chịu lỗ.
Trong tương lai, để hạn chế tình trạng giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp có thể mua chung, thầu chung các vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất. Còn đối với những doanh nghiệp chuyên về sản xuất, thời gian dự trữ nguyên liệu khoảng 2-3 tháng là an toàn vì giá cả chưa ổn định, nhập khẩu số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động và có thể sẽ làm gián đoạn một số hoạt động khác của doanh nghiệp.
Phan Quyên
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 sắp đạt ngưỡng 600 tỷ USD