Sự gồng gánh của rau quả
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong tháng 5/2023, nước ta đã thu về gần 600 triệu USD giá trị xuất khẩu rau quả, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn tháng 5/2022. Và tính đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt mức 1,97 tỷ USD. Điều đáng chú ý ở đây là sự gia tăng giá trị xuất khẩu của rau quả bất chấp những mặt hàng nông sản khác giảm sâu bởi những tác động toàn cầu.
Nhìn chung, những mặt hàng chủ lực về quả của nước ta vẫn vẫn tăng trưởng khá tốt. Ngoài thanh long và chuối ghi nhận tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm 2023, khi trị giá xuất khẩu của 2 loại quả này lần lượt giảm 20% và gần 40% thì những loại trái cây còn lại đều ghi nhận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái
Đặc biệt, sầu riêng, loại quả gần đây được ví như mặt hàng tỷ đô của nước ta, được cho rằng đã tăng trưởng đột biến với mức tăng 573,1% so với cùng kỳ năm ngoái , giá trị xuất khẩu đạt 190,5 triệu USD. Tuy nhiên, điều này cũng gây ùn ứ trên các điểm thông quan quốc tế của nước ta, đặc biệt là Trung Quốc khi có rất nhiều xe container sầu riêng chờ thông quan mà chưa được giải quyết, khi đó sẽ gây rủi ro về chất lượng hàng hoá của mặt hàng xuất khẩu này.
Chính phủ Việt Nam cũng tích cực đàm phán để hàng hoá nước ta được thông quan dễ dàng hơn. Hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Lợi thế cạnh tranh lớn của sầu riêng Việt Nam là nhờ đâu ?
Gần đây, nước ta có ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc về mặt hàng sầu riêng, măng cụt và đang đàm phán về những mặt hàng chủ đạo như chuối, thanh long,… Điều này đã tạo ra đòn bẩy đẩy xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh, trong hơn 190 triệu USD trị giá xuất khẩu thì Trung Quốc đã chiếm khoảng hơn 150 triệu USD, tương đương 84,3%.
Thêm vào đó, giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh trong tháng 5 từ 200.000 VNĐ/1kg xuống còn 75.000 VNĐ/1kg cũng kích thích người dân nước ngoài ưa chuộng loại quả giàu hương vị này. Cộng với việc vụ mùa sầu riêng miền Tây đang diễn ra khiến cho nguồn cung cực kỳ lớn, Các nhà phân tích ước tính rằng, sản lượng sầu riêng sẽ đạt khoảng 650.000 tấn trong quý II và quý III năm 2023.
Đặc biệt, sầu riêng Việt vừa đón thêm tin vui khi phía Hải quan Trung Quốc duyệt thêm 47 mã số vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu xuất khẩu. Theo đó, nước ta có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Tóm lại, với hương vị ngọt và thơm, sầu riêng đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và cũng trở thành một nguồn thu nhập quan trọng cho các nông dân và doanh nghiệp kinh doanh trái cây, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Nhiều nông dân và doanh nghiệp đã tận dụng tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm này để mở rộng thị trường và tăng thu nhập.
Đức Thắng