Dropshipping Là Gì?
Dropshipping hay Dropship đã được nhắc tới lần đầu từ năm 1926, tuy nhiên hiện chưa có định nghĩa chính thức cho hoạt động này. Từ điển Merriam-Webster mô tả Dropshipping là việc “vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ nhà cung cấp đến khách hàng”. Không cần phải tích trữ hàng trong kho, người làm Dropshipping (các dropshipper) sẽ gửi đơn đặt hàng cho người bán bên thứ ba (nhà cung cấp thành phẩm) để giao thẳng cho khách hàng và kiếm lời.
Khác với shipping thông thường, trong Dropshipping, bên trung gian mua lại hàng hóa từ nhà cung ứng, tìm ra người mua và bán lại với mức giá tự quyết định.
Như vậy, hoạt động Dropshipping chỉ bao gồm việc tìm kiếm khách hàng và nguồn hàng dựa theo nhu cầu sẵn có. Có thể thấy Dropshipping là phương thức mà người làm không cần bỏ vốn, không cần nhập hàng, lưu kho nhưng vẫn bán được sản phẩm. Người bán thậm chí không bao giờ thấy hoặc phải xử lý món hàng mà mình bán.
Lợi nhuận Dropshipping = Giá bán cho khách hàng – Giá mua từ nhà cung ứng
Cách thức vận hành của mô hình Dropshipping:
- Khách hàng (customer): mua hàng, đặt lệnh thanh toán;
- Doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình Dropship (Dropshipper): không sở hữu hàng hóa, nhận và chuyển những thông tin đầy đủ về đơn hàng tới nhà cung ứng sản phẩm (Dropship supplier);
- Nhà cung ứng (Dropship supplier): sở hữu hàng hóa, thực hiện đóng gói sản phẩm và vận chuyển tới tay khách hàng theo đơn đặt hàng.
Đối tượng doanh nghiệp phù hợp với mô hình Dropshipping gồm: các công ty khởi nghiệp, các cá nhân hay doanh nghiệp có ít vốn đầu tư nhưng muốn tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Điểm chung là họ mới gia nhập vào thị trường nên sẽ không có nhiều kinh nghiệm bán lẻ, quản lý kho hay chỉ chấp nhận được mức độ rủi ro kinh doanh thấp.
Vì sao Dropshipping được săn đón mạnh mẽ?
Giảm chi phí
Dropshipping là công cụ hiệu quả cho các Dropshipper giảm chi phí bán lẻ như chi phí phục vụ cho việc lưu trữ, thuê mặt bằng, lương nhân viên và các dịch vụ bổ sung như khai báo, mã vạch, v.v.
Cắt giảm yếu tố sở hữu hàng hóa
Đây là một lợi thế của mô hình bán hàng Dropshipping khi người mua chỉ cần kết nối kênh bán của mình với kênh bán của nhà cung cấp và bắt đầu kinh doanh mà không cần nhập sản phẩm. Khi có đơn hàng, hệ thống kỹ thuật Dropshipping sẽ tự động đẩy đơn và nhà cung cấp sẽ giao sản phẩm đó theo thông tin đơn đặt hàng của dropshipper.
Mô hình này được kênh bán sỉ Aliexpress và kênh bán lẻ Shopify phối hợp rất hiệu quả trên toàn cầu.
Mô hình linh động, đơn giản, dễ dàng thực hiện
Hiện nay, khi bắt đầu một công việc mới với Dropshipping, ai cũng có thể kinh doanh ngay lập tức trên nền tảng Dropshipping mà không cần phải chờ đợi hay làm thủ tục rườm rà.
Mô hình này rất linh hoạt, thời gian chủ động nên phù hợp với số đông người bán hàng. Doanh nghiệp làm Dropshipping có thể hoạt động mà không cần phải mở xí nghiệp sản xuất, hay thậm chí chẳng cần kho bãi để lưu trữ hàng hóa. Tất cả những gì họ cần là kỹ năng, kiến thức kinh doanh, tiếp thị và công cụ hỗ trợ.
Xóa bỏ nỗi lo về tồn kho
Hàng tồn kho trước hết là một gánh nặng chi phí rất lớn đối với bất kỳ ai làm kinh doanh. Nếu không thể tiêu thụ phần lớn lượng hàng tồn kho do nhiều yếu tố như mùa vụ, nhu cầu giảm, các chiến lược hiệu quả của đối thủ cạnh tranh, v.v. thì vòng vốn lưu động sẽ bị ảnh hưởng. Dropshipping cho phép cắt bỏ hàng tồn kho, không cần nhập hàng mà vẫn có thể kinh doanh thuận tiện trên kênh online.
Bước đệm thương mại điện tử giúp Dropshipping trở thành xu thế kiếm tiền online
Sự phụ thuộc chặt chẽ vào thương mại điện tử:
Những sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada hay Shopee cho phép ai cũng có thể mở gian hàng và tham gia mua bán qua mạng. Mô hình Dropshipping giúp người bán tập trung vào khâu tiếp thị và quảng bá, còn lại nhà cung cấp sẽ đứng ra quản lý hết từ khâu công việc logistics, tiếp nhận đơn hàng, cho đến lấy hàng và vận chuyển sản phẩm. Dropshipping nhờ vậy đã nhanh chóng trở thành một trong những xu hướng thương mại điện tử nóng nhất hiện nay.
Hệ sinh thái thương mại điện tử ngày nay đã hoàn thiện, có đủ mọi công cụ để ai cũng có thể thử kinh doanh Dropshipping:
- Mở gian hàng ảo đã có Amazon, Shopify, eBay hay Shopee và Lazada.
- Tìm kiếm nguồn hàng thì có sẵn các công ty Trung Quốc chào hàng qua các sàn giao dịch như AliExpress hay 1688.com, họ sẵn sàng bán dù chỉ một sản phẩm với giá sỉ thông qua hình thức Dropshipping.
Ngoài ra, dịch vụ kết nối kho hàng Dropshipping với gian hàng điện tử cũng không còn hiếm gặp. Dropshipper thay vì bôn ba khắp nơi tìm nhà cung cấp, copy dữ liệu sản phẩm về cập nhật cho gian hàng ảo thì chỉ cần đồng bộ hóa hàng từ AliExpress sang cửa hàng của mình trên Lazada hay Amazon.
Sự trỗi dậy của Amazon, eBay và xu hướng Dropshipping những năm 2000:
Amazon và eBay là hai trong số rất ít những công ty phát triển sau thời kỳ “Bong bóng dot-com” giai đoạn 1995 – 2001. Hai sàn thương mại điện tử đã cách mạng hóa cách các cá nhân có thể bán hàng trực tuyến. Để bán được sản phẩm, người ta không cần phải trải qua quy trình kỹ thuật tốn kém để tạo một cửa hàng trực tuyến và quảng cáo nữa.
Đối với Dropshipping, đây là một thay đổi lớn. Trước đây, các dropship supplier ở Mỹ không chỉ tính phí rất cao cho các mặt hàng họ cung cấp, mà còn phải chi một số tiền rất lớn trong giai đoạn phát triển cửa hàng và quảng cáo.
Nhưng ở hiện tại, Amazon và eBay đã quảng cáo trang web của họ thay mặt cho từng người bán, điều đó có nghĩa là mức độ phổ cập của Dropshipping giờ đã rộng lớn hơn đối với cả doanh nghiệp lớn và các cá nhân nhỏ lẻ.
Dropshipping tại Việt Nam – kinh doanh ít vốn có thực sự dễ dàng?
Mô hình Dropshipping cũng mới trở nên phổ biến tại Việt Nam trong hai năm gần đây. Tuy thị trường Dropshipping có sự cạnh tranh lớn, nhưng theo các chuyên gia kinh doanh, với điều kiện các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội ngày càng phát triển, Việt Nam vẫn là một nơi tiềm năng để bắt đầu thực hiện mô hình này.
Ít vốn đầu tư, rủi ro thấp, hai yếu tố này đã thu hút không ít những người trẻ, những công ty khởi nghiệp mong muốn kiếm tiền từ việc kinh doanh mô hình Dropshipping. Tuy nhiên, nhiều người vì vậy lầm tưởng rằng đây là mô hình kinh doanh kiếm tiền nhanh, dễ dàng với lợi nhuận cao.
Trên thực tế, giống với những mô hình kinh doanh khác, Dropshipping cũng tồn tại rủi ro. Đã và đang có nhiều trường hợp các dropshipper Việt Nam không nắm rõ chất lượng nguồn hàng đăng bán, cộng với việc bị động trong khâu lưu trữ, quản lý hàng tồn kho hoặc vận chuyển của nhà cung cấp. Vì vậy, uy tín của người làm Dropshipping có thể bị ảnh hưởng khi xảy ra vấn đề về chất lượng sản phẩm và quy trình giao hàng.
Bất kể hình thức kinh doanh nào cũng đem lại rủi ro cho các nhà đầu tư, bởi vậy khi bắt đầu kinh doanh phải tìm hiểu thật kỹ về mô hình, phương thức hoạt động cũng như cách ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy đến.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho Dropshipping khi thương mại điện tử phát triển mạnh, nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng sau đại dịch. Mặc dù lợi nhuận thu lại không cao như các mô hình khác, đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, Dropshipping vẫn là một mô hình kinh doanh tốt bởi nó đòi hỏi ít chi phí đầu tư ban đầu (và do đó cũng ít rủi ro).
Trần Văn Hiếu