Tiềm năng phát triển
Việt Nam với đặc điểm địa lý lợi thế, đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, đã được khảo sát và đánh giá có tiềm năng gió lớn trong khu vực. Việc xây dựng các nhà máy điện gió là một giải pháp hợp lý, làm tăng đáng kể năng lực sản xuất điện của Việt Nam trong những năm tới.
Theo ông Mark Leybourne, Chuyên cấp cao về Năng lượng, Ngân hàng Thế giới, nhận xét: “Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm xuất khẩu của Đông Nam Á trong lĩnh vực này và có thể giúp gia tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực này thêm 60%”.
Việc thay thế các nhà máy nhiệt điện có thể giúp tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và mang lại ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam.
Hàng ngàn MW điện gió “lỡ hẹn” với FIT
*Giá FIT (Feed-in Tariff) là biểu giá điện hỗ trợ. Là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất tư các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới điện hoặc sử dụng tại chỗ.
Các dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam sẽ buộc phải đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10 nếu muốn được hưởng cơ chế giá ưu đãi 8,5 cent/kWh. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, ước tính có tới khoảng 50% tổng công suất của các dự án đã nộp hồ sơ, sẽ không thể kịp hạn chót này.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 9/2021, mới chỉ có 6 trên tổng số 106 nhà máy điện gió đăng ký thử nghiệm COD được công nhận vận hành.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã có kiến nghị gia hạn giá FIT cho điện gió. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị được gia hạn thời gian áp dụng đến ngày 1/11/2022. Tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn đến hết tháng 4/2022. Lý do được đưa ra là dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn tới việc cung cấp tua-bin gió từ nước ngoài bị chậm tiến độ, cộng với xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao, v.v. nên rất nhiều dự án không kịp hoàn thành.
Tuy nhiên, Bộ Công thương sẽ không xem xét hoặc kiến nghị cấp cao hơn gia hạn cho các dự án điện gió hưởng giá FIT sau ngày 31/10. Các dự án xây dựng dở dang hoặc bắt đầu xây dựng sau ngày 31/10/2021 đều không được áp dụng hưởng cơ chế giá FIT.
Cú sốc lớn đối với các nhà đầu tư
Theo TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam: “Nếu không gia hạn giá FIT, thì các Dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT”.
REE Corp đang triển khai 3 dự án điện gió với số tiền đầu tư hơn 1.060 tỷ đồng. Điện Gia Lai cũng nâng tổng chi phí xây dựng vào 3 dự án điện gió lên đến 2.756 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn chưa có phần công suất nào từ hai công ty này được nhận COD.
Đại dịch đã giáng mạnh một đòn vào ngành năng lượng điện gió đang phát triển bùng nổ không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Chỉ riêng tiến độ kéo dài đã làm đội lên rất nhiều chi phí, đe dọa khả năng tài chính của dự án. Ngoài rủi ro về giá bán điện, các dự án hoàn thành sau hạn chót còn đối mặt với khả năng chậm thanh toán do tồn tại “khoảng trống” mà chính sách hiện tại chưa quy định.
Bên cạnh đó, lãi vay đầu tư cũng là vấn đề đáng quan ngại. Tỷ lệ vốn vay của REE Corp xấp xỉ 59%, đến từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Hai dự án của Điện Gia Lai cũng sử dụng hơn 910 tỷ đồng tiền vay ngân hàng. Việc gián đoạn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp mà hậu quả lớn nhất có thể là việc không còn khả năng thanh toán.
Thanh Thảo
ĐỌC THÊM:
Trung Quốc: Dòng chảy thương mại 120 tỷ USD có thể bị xáo trộn do thiếu điện