Tình trạng tắc nghẽn đã kéo dài gần 2 tháng qua
Cuối năm là thời điểm thu hoạch nhiều loại nông sản như thanh long, xoài, cây có múi, bưởi, mít, v.v. của các tỉnh khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Đây là những nông sản có lượng xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc.
Trong 2 tháng qua, bãi đỗ xe phi thuế quan chờ xuất tại cửa khẩu Tân Thanh chưa khi nào có dưới 1.000 xe container. Ông Lê Tuấn Kiệt, lái xe tỉnh Tiền Giang chở mít từ Tiền Giang ra chờ, ăn ngủ tại xe hơn 1 tuần nhưng chưa thể xuất hàng đi được. “Một tuần rồi đó, nếu đi qua được cũng mừng, mà qua đó rồi xuống hàng cũng hồi hộp không biết khi nào đem xe về”, ông Kiệt cho biết.
Nguyên nhân tình trạng tắc nghẽn
Theo Trung tâm quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân ùn tắc đầu tiên do phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản nhưng các địa phương vẫn đổ về nên chưa thể xuất đi.
Thứ hai do tỷ lệ tiêm vaccine của lái xe đường dài còn thấp, chủ yếu là tiêm một mũi nên vẫn có ca dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong khi Việt Nam thực hiện chính sách linh hoạt với dịch bệnh thì phía Trung Quốc vẫn thực thi chính sách “Zero COVID”. Chỉ cần 1 ca nhiễm theo tài xế xuất hàng, mọi hoạt động giao thương tại cửa khẩu đó sẽ bị đóng lại.
Để đảm bảo an toàn dịch, từ ngày 26/9 tất cả các lái xe Việt Nam đều phải bàn giao xe cho lái xe nước bạn, trong khi lượng lái xe chuyên trách phía Trung Quốc bị thiếu hụt nên đây cũng là nguyên nhân chính khiến việc ùn tắc kéo dài.
Giải pháp nào cho vấn đề này
Hiện nay chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cũng đang có nhiều biện pháp để hỗ trợ một cách tốt nhất cho các lái xe đang phải chờ đợi, cùng với đó là đàm phán với phía Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ.
Năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản, thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 27%. Hơn nữa, trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam, đạt gần 7,5 tỷ USD (chiếm 19,3% thị phần) với nhóm rau quả chiếm tới 23,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
Những con số này cho thấy bất kể những thay đổi nào trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đều tác động không nhỏ tới thị trường của Việt Nam. Lúc này cần những giải pháp kịp thời để đẩy mạnh lưu thông, hài hòa lợi ích của các bên. Còn về lâu dài, nông sản của Việt Nam cần chủ động đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của các nhà nhập khẩu để khai thác thị trường đầy tiềm năng này, nhất là khi những quy định mới khắt khe hơn chỉ còn một tháng nữa là có hiệu lực.
Vân Anh
Tắc nghẽn cửa ngõ Hải Phòng vì xét nghiệm và test nhanh Covid-19