Thêm khó khăn về nguồn cung ứng nguyên liệu
Hầu hết các nguyên liệu thô quan trọng trong sản xuất chip điện tử phân bố tập trung ở Nga và Ukraine. Các quốc gia này là nguồn cung cấp chính của khí neon cùng các chất hóa học cần thiết để tạo ra các vi mạch cho ngành công nghiệp sản xuất chip.
Các nhà phân tích và chuyên gia tư vấn trong ngành ước tính rằng khoảng một phần tư đến một nửa số khí neon bán dẫn trên thế giới đến từ Nga và Ukraine, trong khi khoảng một phần ba lượng palladium trên thế giới đến từ Nga. Nguy cơ thiếu hụt những nguyên liệu này đã làm dấy lên lo ngại rằng ngành công nghiệp chip điện tử và chất bán dẫn, vốn đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu nóng của thị trường, lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Hồi đầu tháng 2, Nhà Trắng đã cảnh báo các nhà cung cấp chip nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trong trường hợp Nga trả đũa việc hạn chế xuất khẩu của Mỹ bằng cách chặn đường tiếp cận các nguyên liệu sản xuất chip, theo Reuters. Các công ty dự kiến nguồn cung nguyên vật liệu sẽ càng bị thắt chặt trong năm nay. Những cuộc tấn công của Nga cũng có thể làm tăng thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển, tiếp tục tạo ra sự căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn vẫn còn gián đoạn.
Cơ may từ những nguy cơ
Tuy nhiên, hiện nay, những lo lắng đó sẽ khó xảy ra, ít nhất là trong thời gian tới. Lý do một phần bởi ngành công nghiệp này đã dần thiết lập lại cách thức vận hành sau khi chịu ảnh hưởng bởi một loạt những biến cố toàn cầu ảnh hưởng đến sản xuất. Đó là cháy nhà máy chip Renesas Electronics, lạnh giá bất thường ở Texas, hạn hán ở Đài Loan và đại dịch coronavirus. Các công ty sản xuất chip điện tử đã sớm có các kế hoạch củng cố chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung và tích trữ các nguyên liệu cấp thiết, đề phòng bối cảnh logistics toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn.
Đặc biệt, đối với các công ty sản xuất chip, việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã là một bài học sớm trong việc đối phó với sự bất ổn chính trị trong khu vực cung cấp nguyên liệu. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, TSM, nhà sản xuất chip đặt hàng lớn nhất thế giới, cho biết họ đã chuẩn bị nguồn cung khí hiếm thay thế ngay khi Nga bắt đầu tập trung lực lượng dọc biên giới Ukraine. Infineon Technologies, một nhà sản xuất chip lớn của Đức, cũng thông báo sẽ có các lựa chọn mới về đối tác cung cấp, đồng thời tăng lượng tồn kho các nguyên liệu thô và khí hiếm có khả năng bị ảnh hưởng nguồn cung bởi xung đột và dịch bệnh.
Rủi ro về giá cả đầu vào vẫn có nguy cơ xảy ra, giá các loại nguyên liệu có thể sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, ngay cả khi giá tăng gấp 10 lần, các loại khí hiếm như neon cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu chi phí của ngành. Ngành công nghiệp chất bán dẫn được ước tính trị giá khoảng 100 triệu đô la một năm, một tỷ lệ vẫn khiêm tốn so với doanh thu toàn cầu đối với sản phẩm chip điện tử là trên 500 tỷ đô la/ năm.
Mai Phạm
Cuộc khủng hoảng chip có thể kéo dài đến năm 2023