Thật khó để hình dung một thế giới không có máy bay chở hàng. Vận tải hàng hóa đường hàng không là một điều không còn quá xa lạ. Vậy khác biệt giữa vận tải hàng hóa và vận tải hành khách đường hàng không là gì ? Liệu sẽ có thêm nhiều hãng bay bổ sung dịch vụ vận chuyển hàng hóa hay không ?
Vận tải hàng hóa đường hàng không đã bùng nổ trong năm nay
Ngày nay, việc vận hành các chuyến bay hàng hóa trên các đường bay vốn chỉ dành cho các chuyến bay hành khách là một chiến lược mà các hãng bay đang áp dụng. Việc này mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Ý tưởng về các chuyến bay chở hàng hóa đã tồn tại từ khoảng 100 năm trước, bắt nguồn từ việc vận chuyển các lá thư viết tay trong những năm 1900. Không hề quá khi nói rằng máy bay và dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không đã có những bước tiến vượt bậc.
Chuyến bay chở hàng đầu tiên
Chuyến bay này được thực hiện vào năm 1911 khi máy bay được dùng để chở thư. Tuy nhiên, chuyến bay chở hàng thực sự được phát triển vào năm những năm 1920, khi nước Anh quyết định phát minh ra một chiếc máy bay phục vụ cho việc chuyên chở binh sĩ và đồ đạc của họ. Vào năm 1921, chiếc Vickers Vernon đã được giao cho Không quân hoàng gia Anh (Royal Air Force). Hai năm sau, chiếc máy bay này đã được sử dụng để đưa 500 lính Sikh ra chiến trường.
Chiếc máy bay Vickers Vernon từng là một chiếc máy bay chở lính của Không quân hoàng gia Anh.
Những ý tưởng về việc sử dụng máy bay cho chiến tranh bắt đầu được chấp nhận. Đó là mục đích chính của những chiếc máy bay chở hàng thời bấy giờ, nhiều cải tiến đã được thực hiện sau đó. Vào năm 1939, máy bay được bổ sung thêm cửa ở hai bên, giúp cho việc chất xếp hàng trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Máy bay chở hàng và máy bay chở khách
Điểm khác biệt dễ thấy nhất là ở thứ mà chúng vận chuyển. Máy bay chở khách được sử dụng chủ yếu để chuyên chở con người, trong khi máy bay chở hàng được dùng cho một mục đích duy nhất là vận chuyển hàng hóa.
Không có ghế ngồi trên máy bay chở hàng. Chính vì vậy, sẽ có nhiều không gian trống hơn cho nhiều loại hàng hóa khác nhau. Thông thường, sàn của máy bay chở hàng sẽ có các con lăn và chốt để giữ các kiện hàng không bị xê dịch. Thêm nữa, sẽ không có cửa sổ và cửa thoát hiểm. Chúng sẽ được trang bị một cánh cửa lớn để đưa hàng hóa vào trong, một biến thể của cánh cửa này chính là cánh cửa mũi mà chúng ta có thể thấy trên những chiếc Boeing-747.
Phiên bản chở hàng của Boeing 747 được trang bị thêm cánh cửa ở mũi.
Đáng chú ý là máy bay chở hàng có rất nhiều biến thể. Một số máy bay được trang bị nhiều bánh xe nhằm đảm bảo việc phân bố hàng hóa trên máy bay được thực hiện một cách tối ưu hơn. Điển hình là “con quái vật” Antonov AN-225, sở hữu tới 32 chiếc bánh xe. Một số máy bay chở hàng khác có cánh được lắp đặt ở phần đầu của thân máy bay, nhằm phục vụ cho việc đưa hàng hóa vào từ đuôi máy bay. Một số khác có thiết kế ngược lại.
Vậy những chiếc máy bay chở khách được gia cố thành máy bay chở hàng trông sẽ thế nào ?
Tuy có nhiều điểm khác biệt, máy bay chở hàng và máy bay chở khách cũng có một số điểm chung. Đó là lí do vì sao có rất nhiều máy bay chở khách đã được gia cố lại thành máy bay chở hàng. Một số hãng hàng không đã thực hiện điều này nhằm kéo dài tuổi đời của những chiếc máy bay chở khách. Đây là một cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao vì các hãng bay sẽ không phải tính toán đến việc mua một chiếc máy bay chở hàng mới.
Để thực hiện điều này, phần thân máy bay phải đáp ứng được các tính chất của hàng hóa. Các cửa sổ trên thân máy bay sẽ được bịt lại nhằm đảm bảo thân máy bay trở nên liền mạch hơn.
Nội thất trong cabin cũng sẽ được tháo bỏ nhằm đảm bảo việc di chuyển hàng hóa bên trong được diễn ra thuận tiện. Trước đó, hệ thống sàn máy bay phải được gia cố lại để có thể chịu được sức nặng của hàng hóa. Một cánh cửa sẽ được lắp đặt để phục vụ cho việc đưa hàng vào trong. Sau đó chiếc máy bay sẽ được kiểm tra kĩ thuật để đảm bảo mọi thứ có thể vận hành trơn tru. Hãng UPS đã thực hiện điều này với chiếc Boeing 767 của họ.
Hệ thống sàn rất quan trọng trong việc gia cố máy bay chở hàng.
Đó là về thiết kế, vậy việc vận hành một chiếc máy bay chở hàng và một chiếc máy bay chở khách có gì khác nhau?
Phi công lái máy bay chở hàng và máy bay chở khách có gì khác nhau?
Tuy đối tượng chuyên chở khác nhau nhưng phi công của 2 loại máy bay này có rất nhiều điểm tương đồng. Họ đều cần có bằng lái máy bay, đánh giá đạt chuẩn từ FAA (Cục hàng không liên bang Mỹ) và kinh nghiệm bay.
Về hành trình bay, họ cũng có nhiều điểm tương đồng. Số phi công trên chuyến bay chở hàng và chở khách đều bằng nhau. Với những chuyến bay có thời gian di chuyển dưới 8 giờ, sẽ có 2 phi công trên máy bay. Đối với những chuyến bay dài hơn, sẽ có tới 3 hoặc 4 phi công phụ trách. Tất nhiên, các chuyến bay hành khách sẽ có thêm đội ngũ tiếp viên.
Khu vực khoang lái không có quá nhiều điểm khác biệt giữa 2 loại máy bay.
Phi công máy bay chở hàng có mức lương cao hơn và họ ít khi phải hứng chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế vì nhu cầu luôn ở mức ổn định (luôn luôn có những cá nhân/doanh nghiệp muốn gửi hàng đi). Hơn nữa, lợi nhuận từ việc chở hàng cũng cao hơn nhiều so với chuyên chở hành khách.
Tương lại của những chiếc máy bay chở hàng?
Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không vẫn luôn là một lĩnh vực hái ra tiền. Hãng Boeing dự đoán ngành công nghiệp này sẽ có giá trị lên tới 300 tỉ đô vào năm 2040 do có nhiều hãng bay buộc phải đẩy mạnh khai thác lĩnh vực này trong thời gian gần đây. Đó cách duy nhất để họ có thể gia tăng lợi nhuận trong thời điểm hiện tại.
Gần đây, nhiều máy bay chở khách đã được gia cố lại để phục vụ cho việc chở hàng.
Tuy nhiên, một số hãng hàng không vẫn gặt hái được lợi nhuận từ việc sử dụng những chiếc máy bay “bán chở hàng”. Họ dùng chính những chiếc máy bay chở khách của mình cho việc chở hàng nhưng không gia cố chúng cho việc chở hàng lâu dài. Ghế ngồi sẽ được tháo dỡ và hàng hóa sẽ được buộc dây cố định. Quá trình này sẽ cần 2 người thực hiện và tiêu tốn khoảng 2 giờ đồng đồ để hoàn thành sau khi toàn bộ ghế ngồi đã được tháo hết, theo Airbus.
Daniel