Nhà phân phối dự trữ và giao hàng chặng cuối (Distributor Storage with Last-Mile Delivery)
Giao hàng chặng cuối đề cập đến việc nhà phân phối / nhà bán lẻ phân phối sản phẩm đến nhà khách hàng thay vì sử dụng hãng vận chuyển trọn gói.
Tại Việt Nam, Công ty thương mại điện tử Tiki (Tiki Corporation) đã và đang áp dụng thành công phương thức trên. Với tiêu chí lấy trải nghiệm của người dùng làm ưu tiên hàng đầu, năm 2017, Tiki.vn ra mắt dịch vụ giao hàng nhanh TikiNow “Mua hàng Tiki – Nhận trong 2 tiếng”.
Theo đó, mọi sản phẩm có biểu tượng 2h đặt qua Tiki.vn đều có thể giao đến tay người tiêu dùng trong vòng 2 tiếng. Không những thế, để đảm bảo giao hàng nhanh chóng, Tiki còn đầu tư hệ thống kho bãi quy mô và rộng khắp các thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, Tiki hiện có một đội ngũ riêng để chuyên môn hóa hoạt động giao hàng của mình.
Không giống như giao hàng theo kiện, giao hàng chặng cuối yêu cầu kho của nhà phân phối phải gần khách hàng hơn rất nhiều.Mặt khác, ở mô hình này, nhà phân phối cũng cần phải có nhiều kho hơn so với mô hình giao hàng thông qua bên vận chuyển khác.
Theo đó, mô hình nhà phân phối lưu trữ và giao hàng chặng cuối yêu cầu mức tồn kho cao hơn so với các mô hình khác (ngoại trừ mô hình các cửa hàng bán lẻ) vì mô hình này có mức tổng hợp thấp hơn. Xét về góc độ tồn kho, mô hình này sẽ phù hợp với các mặt hàng yêu cầu cần vận chuyển nhanh chóng.
Trong mô hình này, các nhà phân phối đã bỏ ra một khoản chi phí lớn cho việc giao hàng chặng cuối, đặc biệt là khi giao hàng cho khách hàng cá nhân. Chi phí giao hàng chặng cuối sẽ đỡ tốn kém hơn tại các thành phố lớn, đông đúc. Một ví dụ minh chứng cho điều này đó là việc giao các bình nước và bao gạo lớn tại nhà đã được thực hiện rất thành công ở Trung Quốc, nơi mật độ dân số cao giúp giảm một khoản lớn chi phí giao hàng.
Bên cạnh đó, đối với mô hình này, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và xử lý đơn hàng cũng rất cao. Yêu cầu về thông tin đơn hàng tương tự như mô hình giao hàng theo kiện nhưng đòi hỏi thêm sự rõ ràng về lịch trình giao hàng và tính năng theo dõi đơn hàng để kịp thời xử lý các phát sinh khi giao hàng chặng cuối.
Mô hình này có thời gian đáp ứng đơn hàng nhanh nhưng tính đa dạng sản phẩm thường thấp hơn so với sử dụng nhà vận chuyển để giao hàng theo kiện. Trải nghiệm của khách hàng rất tốt, đặc biệt là đối với các sản phẩm kích thước cồng kềnh. So với tất cả các mô hình trên, khả năng thu hồi trong giao hàng chặng cuối là tốt nhất bởi nhà bán lẻ có thể thu hồi sản phẩm từ khách hàng ngay sau khi giao hàng.
Nhà sản xuất hoặc nhà phân phối lưu trữ và khách hàng đến nhận (Manufacturer or Distributor Storage with Customer Pickup)
Theo mô hình này, hàng tồn kho được lưu trữ tại nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, khách hàng sẽ đặt hàng thông qua hình thức trực tuyến hoặc trên điện thoại và sau đó họ sẽ đi đến các điểm nhận hàng do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chỉ định để nhận hàng. Đơn đặt hàng sẽ được vận chuyển từ nơi lưu trữ đến các điểm nhận hàng khi cần thiết.
Năm 2007, Wal-Mart ra mắt dịch vụ “Site to Store” cho phép khách hàng đặt hàng nghìn sản phẩm trực tuyến tại Walmart.com và được giao hàng miễn phí đến một cửa hàng Wal-Mart tại địa phương. Các mặt hàng sẽ đến cửa hàng từ 7 đến 10 ngày sau khi đơn đặt hàng được xử lý và sau đó khách hàng sẽ nhận được email thông báo nhận hàng khi hàng của họ đã đến nơi chỉ định.
Chi phí dự trữ trong mô hình này có thể giữ ở mức thấp đối với nhà sản xuất/phân phối. Chi phí vận chuyển cũng thấp hơn bất kỳ mô hình phân phối nào nhờ sử dụng nhà vận tải nguyên kiện để tích hợp giao các đơn đặt hàng đến cùng một địa điểm nhận hàng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lại khá cao nếu phải xây dựng các điểm nhận hàng mới. Chính vì thế, mô hình này hiệu quả nhất nếu tận dụng mạng lưới cửa hàng tạp hóa/cửa hàng tiện lợi hiện có làm điểm nhận hàng, nhờ đó giúp chuỗi cung ứng giảm chi phí đầu tư, tăng tính kinh tế của mạng lưới hiện có.
Chi phí xử lý đơn hàng tại nhà sản xuất/nhà kho tương đương với mô hình khác nhưng tại các điểm giao hàng sẽ cao hơn. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất đối với sự thành công của mô hình này. Đồng thời, mô hình yêu cầu một hạ tầng thông tin tốt và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà bán lẻ, địa điểm dự trữ, địa điểm nhận hàng để cung cấp khả năng hiển thị đơn hàng cho đến khi khách hàng nhận được sản phẩm.
Ngoài ra, mô hình này cũng sẽ có một số mất mát về trải nghiệm của khách hàng, bởi vì không giống như các mô hình khác, khách hàng phải tự đến nơi để lấy hàng. Mặt khác, những khách hàng không muốn thanh toán trực tuyến có thể thanh toán bằng tiền mặt ở phương thức này.
Ở mô hình này, khả năng hiển thị trạng thái đơn hàng là cực kỳ quan trọng đối với việc lấy hàng của khách hàng. Khách hàng phải được thông báo khi đơn hàng đã đến, và đơn hàng phải được xác định dễ dàng khi khách hàng đến nhận. Một hệ thống như vậy rất khó thực hiện vì nó đòi hỏi sự tích hợp của một số giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Việc trả hàng có thể được xử lý tại địa điểm nhận hàng, giúp khách hàng dễ dàng hơn.
Metro Cash & Carry có lẽ là cái tên đáng nhớ tại Việt Nam khi tiên phong ứng dụng phương thức này, tự tạo lối đi riêng để trở nên đặc biệt trong thị trường bán lẻ và phân phối. Năm 2002, Metro bước vào thị trường Việt Nam với vị thế là nhà bán sỉ lớn nhất. Sở hữu những vị trí đắc địa tại cửa ngõ các thành phố lớn, hay khu vực ngoại thành nơi có vị trí rộng rãi, mật độ giao thông không quá cao, Metro cung cấp cho khách hàng giải pháp “đến một nơi có thể mua được nhiều hàng hóa hơn”.
Tận dụng lợi thế theo quy mô khi khu phân phối được xây dựng rộng lớn kết hợp với việc trưng bày đa dạng các sản phẩm, Metro hấp dẫn người mua bởi giá cả mọi mặt hàng cực kỳ cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác.
Nhà bán lẻ dự trữ và khách hàng đến nhận hàng (Retail Storage with Customer Pickup)
Mô hình này là mô hình truyền thống nhất trong chuỗi cung ứng, hàng tồn kho được lưu trữ cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ. Có vẻ đây là phương thức giao hàng phổ biến và quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể đặt hàng tại cửa hàng bán lẻ, cũng có thể đặt hàng trực tuyến hoặc thông qua điện thoại sau đó đến nhận hàng tại các điểm cửa hàng bán lẻ. Chính điều này làm tăng chi phí vì thiếu sự tích hợp trong giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, với các mặt hàng tiêu dùng nhanh, lợi nhuận biên vẫn có thể tăng ngay cả khi phải dự trữ tại chỗ.
Chi phí vận chuyển ở mô hình này thấp hơn nhiều so với các mô hình khác do có thể sử dụng phương thức vận tải chi phí thấp để bổ sung sản phẩm cho cửa hàng bán lẻ. Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cao vì yêu cầu phải có nhiều cửa hàng ngay tại địa phương. Với đơn hàng mà khách hàng đến mua ngay tại cửa hàng thì chỉ cần một hạ tầng thông tin tối thiểu, nhưng với các đơn đặt hàng trực tuyến lại cần một hạ tầng thông tin tốt để cung cấp khả năng hiển thị đơn hàng cho đến khi khách hàng nhận được sản phẩm.
Tại Việt Nam, có thể kể một số chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, AEON, Lotte Mart, Vinmart hoặc các chuỗi cửa tiện hàng tiện lợi như Familymart, Circle K, B’smart, .v.v
Thời gian đáp ứng đơn hàng rất tốt nhờ dự trữ tại chỗ, nhưng chính điều này lại làm tăng chi phí đảm bảo dự trữ. Tính đa dạng của sản phẩm dự trữ tại chỗ thấp hơn so với các mô hình khác. Khả năng thu hồi khá tốt khi sử dụng mô hình này vì sản phẩm thu hồi có thể được xử lý ngay tại điểm nhận hàng. Mô hình này được xem là phù hợp nhất cho mặt hàng tiêu dùng nhanh hoặc khi khách hàng yêu cầu đáp ứng nhanh.
Để chọn được mô hình phù hợp, doanh nghiệp cần phải xem xét đặc tính của sản phẩm cũng như các yêu cầu của mô hình. Mỗi mô hình sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau.
Sau đây là bảng xếp loại mức độ hiệu suất của từng mô hình. (Mức độ hiệu suất giảm dần từ 1-6)
Phan Quyên