Tình trạng lạm phát tại Anh hiện nay
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Vương quốc Anh trong tháng 10/2021 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong tháng 9, chỉ số này tăng tới 3,1%, các mức tăng cho thấy áp lực ngày càng được dồn lên Ngân hàng Trung ương Anh. Cơ quan này đưa ra dự báo vào mùa xuân năm 2022, lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên mức khoảng 5% và giảm xuống mục tiêu 2% vào cuối năm 2023 khi giá năng lượng và nhu cầu hàng hóa giảm xuống.
Trong tháng 10, giá nhiên liệu cho động cơ tăng 3,0% so với tháng 9, tuy nhiên chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái và chỉ khiến lạm phát tăng 0,1%. Trong khi đó, giá thực phẩm đã tăng từ 0,8% lên 1,2%, thu hẹp khoảng cách với đà tăng của chỉ số giá sản xuất. Giá ô tô đã qua sử dụng cũng tăng 27,4% kể từ tháng 4 năm nay. Giá gas và điện tăng cũng mạnh, đẩy chỉ số giá tiêu dùng từ 3,1% trong tháng 9 lên 4,2% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 11/2011, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.
Bên cạnh đó, đồng bảng Anh đã chạm ngưỡng 1,19 €, mức tăng cao nhất trong 21 tháng so với đồng euro trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng mức tăng cao hơn sẽ giúp hạn chế lạm phát do tắc nghẽn nguồn cung trầm trọng gây ra, trong khi nền kinh tế của Anh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19. Cũng trong tháng 10, lạm phát của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) đạt mức 4,1% xấp xỉ của Anh, cao hơn dự báo 3,7% và cao nhất trong 13 năm, kể từ 7/2008.
Các ngân hàng tại Anh áp lực trước mức lạm phát cao
Sau khi lạm phát đạt mức kỷ lục vào tháng 10/2021, các ngân hàng tại Anh ngày càng áp lực khi phải tăng lãi suất vào các tháng tới trong bối cảnh sức ép hóa đơn năng lượng hộ gia đình cũng tăng cao. Mặt khác, quốc gia này sẽ có thêm áp lực lạm phát trong những tháng tới sau khi Đức đình chỉ quy trình phê duyệt đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2, khiến giá năng lượng tiếp tục tăng.
Suren Thiru, trưởng bộ phận kinh tế của Phòng Thương mại Anh, cho biết: “Ngân hàng Trung ương Anh đang phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa lạm phát gia tăng và sự phục hồi đang chững lại. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế Anh đang đối mặt với những cơn gió ngược, việc tăng lãi suất quá sớm nên được chống lại để tránh làm tổn hại đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Nguyên nhân gây ra lạm phát
Ông Samuel Tombs, chuyên gia kinh tế tại Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics lý giải, lạm phát Anh tăng vọt trong tháng 10, lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2011, chủ yếu do Cơ quan năng lượng Anh (Ofgem) đã điều chỉnh chi phí năng lượng của mỗi hộ gia đình tăng 12,2% kể từ tháng 10/2021 và mức chi phí này dự kiến sẽ được điều chỉnh về bình thường vào tháng 4/2022.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng vọt cũng do giá nhà hàng và khách sạn cao hơn sau khi cắt giảm một phần thuế VAT đối với lĩnh vực khách sạn. Tình trạng thiếu hụt nhiều hàng hóa, bao gồm cả vật liệu xây dựng và chip máy tính, đang gây ra các vấn đề về nguồn cung và đẩy giá lên cao.
Cùng với đó, kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại chi phí nguyên vật liệu, tiền lương và vận chuyển cũng tăng mạnh, số liệu CPI mới nhất cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển những mức tăng đó cho khách hàng của họ. Theo diễn đàn chính sách quốc tế OECD, điều này một phần gây ra bởi đại dịch, nhưng cũng có thể là do Brexit.
Huyền Tú
ĐỌC THÊM:
Lạm phát liệu có đang nhấn chìm toàn bộ nền kinh tế toàn cầu?