Bước “chuyển mình” ngoạn mục
XNK hàng hoá giai đoạn 2011-2020 đã có nhiều điểm sáng. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là màn xoay chuyển ngoạn mục cán cân thương mại từ nhập siêu triền miên sang xuất siêu.
“Tính từ năm 1986 đến năm 2011, Việt Nam là quốc gia nhập siêu kinh niên. Thậm chí, giai đoạn 2007-2011, nhập siêu của Việt Nam đều vượt 10 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, năm 2008 Việt Nam nhập siêu kỷ lục tới gần 20 tỷ USD. Từ năm 2012, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu liên tục (trừ năm 2015). Đặc biệt, xuất siêu của Việt Nam năm sau tăng cao hơn năm trước, vượt xa mục tiêu Chiến lược đề ra là tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và phấn đấu xuất siêu từ năm 2021” – TS Lê Quốc Phương nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thuộc “top” hàng đầu thế giới như: Gạo, cà phê, hạt điều, thuỷ sản, dệt may, da giày, v.v. Ngoài ra, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch XK 1 tỷ USD/năm đã tăng lên đáng kể. Cán cân thương mại của cả nước cũng đã chuyển hẳn sang trạng thái thặng dư từ năm 2016.
Kết quả của quá trình thực hiện Chiến lược vượt nhiều mục tiêu đặt ra: đặc biệt là các mục tiêu về quy mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch XNK, giảm nhập siêu. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 282.655 triệu USD, tăng 3.9 lần so với năm 2010 (72.236 triệu USD). Kim ngạch XK hàng hóa bình quân đầu người cũng chứng kiến mức tăng gần 3.5 lần trong vòng 10 năm (từ 2010 đến 2020). Cụ thể, năm 2010, con số này chỉ đạt 822 USD năm 2010, tuy nhiên năm 2020 đã cán mốc 2.891 USD.
Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa XK cũng có những chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng hàng chế biến chế tạo, giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô sơ chế. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, thiết bị phụ tùng tiếp tục tăng trưởng ổn định, đồng thời nhiều mặt hàng thuộc nhóm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử, v.v. cũng được tiến hành XK.
Quá phụ thuộc khối FDI
Kết quả XNK đạt được trong giai đoạn 2011-2020 rất lớn, tuy nhiên vẫn vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang khiến cho vai trò của DN trong nước ngày càng lép vế. Tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong XK có xu hướng tăng (54% vào năm 2010 lên 72% vào năm 2020). Trong khi đó, tỷ trọng của DN Việt đã giảm từ 46% (năm 2010) xuống 28% (năm 2020).
Vấn đề tồn tại lớn nhất là năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt còn thấp, tăng trưởng XK chưa thật sự bền vững. Điều này đến từ sự mất cân đối trong cán cân thương mại với các thị trường; sự mất cân đối về cơ cấu DN XK và cơ cấu hàng hóa XK.
Chất lượng hơn số lượng
Để thúc đẩy làm tốt hơn hoạt động XK cần tập trung vào “lượng” thay vì “chất”; nâng cao giá trị gia tăng, chuyển từ nền kinh tế gia công, XK sang sản xuất, xuất khẩu; XK hàng công nghệ có tỷ lệ nội địa hoá cao.
Chỗ dựa chủ yếu để cải thiện XK phải là khối DN trong nước. Giai đoạn trước mắt chúng ta cần tăng tỷ lệ nội địa hoá. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường XK, tận dụng các FTA, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, v.v.
Kim ngạch XNK của Việt Nam hiện đã ở mức cao làm độ mở của nền kinh tế cũng gia tăng tương ứng (trên 200%). Độ mở cửa lớn, cùng sự phụ thuộc bất cân xứng vào một số ít đối tác, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ đang và sẽ tạo thêm nhiều rủi ro phức tạp, làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương.
Để khắc phục, thể chế kinh tế phải cải cách và thay đổi theo hướng khuyến khích, thúc đẩy phát triển, trước hết là kinh tế tư nhân trong nước; đồng thời thu hút được FDI (quy mô lớn) trực tiếp từ Hoa Kỳ và EU.
Huyền Tú
ĐỌC THÊM:
Nhập siêu tăng vọt, có là dấu hiệu đáng lo ngại?