Ngọn nguồn của cuộc suy thoái kinh tế 2008
Nguyên nhân của cuộc khủng khoảng được cho là bắt nguồn từ việc các tổ chức tài chính trong thị trường bất động sản tại Mỹ đưa ra các khoản vay thế chấp đầy rủi ro đối với những người mua không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên cho đến năm 2007, những sản phẩm tài chính này đã mất đi giá trị để làm tài sản thế chấp, các ngân hàng bắt đầu hoảng sợ khi nhận ra mình sẽ phải gánh chịu khoản lỗ và ngừng cho nhau vay. Đây là thời điểm các ngân hàng lớn trên thế giới từng bước sụp đổ.
Khi nhận thức được về tính trầm trọng của nó thì cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã lan rộng ra khắp các nước trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề là liên minh Châu Âu. Hậu quả, 10.000 tỷ USD đã trở thành giấy vụn, hơn 30 triệu người thất nghiệp, tỉ lệ vô gia cư và tự tử ở khắp nơi gia tăng.
Sự tàn phá lên chuỗi cung ứng thế giới
Khi các ngân hàng lớn toàn cầu gặp vấn đề, họ hạn chế tín dụng đối với các khách hàng doanh nghiệp và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến cả người mua và nhà cung cấp, nguồn vay vốn dần cạn kiệt. Đối diện với tình hình này, nhiều công ty đã cắt giảm mua hàng, giảm mức hàng tồn và kéo dài thời gian thanh toán cho nhà cung cấp của họ. Tuy nhiên, khi nhu cầu và sản xuất giảm dẫn đến việc cạn kiệt đơn hàng, đe dọa nhiều nhà cung cấp trên thế giới trong chuỗi cung ứng. Ngay sau đó, quá trình toàn cầu hóa chuỗi cung ứng diễn ra do các công ty tìm kiếm nguồn cung chi phí thấp, dẫn đến sự chuyển dịch hoạt động sản xuất sang các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến việc giảm chi phí và thiếu quan tâm đến năng suất và tính bền vững của nhà cung cấp đã gây ra một số vấn đề hiện nay trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lúc bấy giờ, các nhà cung cấp và nguyên liệu liên tục gặp trục trặc, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập nguyên liệu và lên kế hoạch sản xuất, hàng tồn. Li & Fung, tập đoàn chuỗi cung ứng hàng đầu, đã trở thành giải pháp của nhiều công ty lớn như Liz Claiborne, Talbots. Các công ty này chỉ cung cấp thiết kế và thuê Li & Fung thực hiện toàn bộ hoạt động sản xuất, kho bãi, v.v trong chuỗi cung ứng của họ. Bằng cách này, các công ty có thể nhanh chóng thay đổi nhà cung cấp khi điều kiện thay đổi dựa trên thông tin Li & Fung cung cấp.
Tại thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam vẫn chỉ đang trong quá trình mở cửa hội nhập nên ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng được cho là không đáng kể. Dù vậy, chuỗi cung ứng Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động. Nhu cầu tiêu dùng trên các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU giảm mạnh do cuộc khủng hoảng, điều này khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang các nước này bị tụt dốc. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu vào Mỹ ngày càng khốc liệt hơn khi các nhà xuất khẩu cố gắng “ép giá” để tiêu thụ hàng tồn. Thị trường xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 20-21% kim ngạch xuất khẩu nước ta, khi thị trường Mỹ bị ảnh hưởng thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của nước ta cũng bị giảm mạnh trong giai đoạn 2008-2010 (Tin tức tài chính).
Phan Huyền