Tự sở hữu container và thuê tàu vận chuyển riêng – Xu hướng mới của các “đại gia” bán lẻ
Hình thức tự sở hữu container và thuê tàu chuyến hay tàu định hạn đang dần trở thành xu hướng thời thượng đối với các chuỗi bán lẻ, như một cách nhằm hạn chế sự tác động của nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng. Trong đó, hai nhãn hàng đi đầu cho xu hướng này là The Home Depot và Ikea, chủ động chuyển sang hình thức thuê tàu chuyến và tàu định hạn trước áp lực của giá cước vận chuyển leo thang (tàu chợ), trong khi công suất vận chuyển hạn chế và sự chậm trễ ngày càng kéo dài.
Và Schneider cũng không nằm ngoài xu thuế này. Theo CEO của Schneider Hoa Kỳ, Mark Rourke, hãng này đã có kế hoạch mở rộng đội tàu chở container từ lâu. Cụ thể, trong quý 3/2021, Schneider đã hoàn tất bổ sung thêm 1.600 container, và dự kiến sẽ bổ sung thêm ít nhất 1.600 nữa trong quý 4/2021.
Tuy nhiên, hãng này vấp phải những khó khăn liên quan đến việc vận chuyển các container đã hoàn tất sản xuất ở châu Á đến Mỹ. Bởi vì, hầu hết các nhà sản xuất container hàng đầu trên thế giới đều có trụ sở tại châu Á, trong đó có 5 nhà sản xuất ở Trung Quốc như CIMC, Dong Fang, CXIC,… Để chắc chắn đạt được số lượng container như theo kế hoạch vào cuối năm nay, Schneider đã lựa chọn thuê tàu riêng để đảm bảo sự chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu 1.600 container được bổ sung trong quý 4/2021.
Tại sao Schneider lại tăng cường sở hữu container?
Mọi quyết định đầu tư kinh doanh đều bắt nguồn từ mục tiêu lợi nhuận và trong mọi tình huống dù oái ăm đến đâu, người biết tận dụng thời cơ sẽ là người thành công nhất. Một nhà phân tích kinh tế (giấu tên), cũng đã bình luận rằng, sự mất cân bằng container có thể đem lại nỗi khốn khổ chung cho nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp, nhưng đây là cơ hội tăng trưởng có một không hai của Schneider.
Cụ thể, theo giám đốc thương mại và phó chủ tịch cấp cao của liên phương thức của Schneider, Jim Filter nói với The Wall Street Journal vào tháng 8: “Chúng tôi nhận được phản hồi từ nhiều khách hàng của mình rằng họ đang bất lực trước việc các đơn hàng luôn bị mắc kẹt ở một nơi nào đó, và sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển ngày càng có xu hướng kéo dài thêm”.
Chính nguyên nhân này đã thôi thúc Schneider đưa ra quyết định về việc sở hữu container để quá trình vận chuyển hàng đến các khách hàng của mình không bị đứt đoạn. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như một khoản lợi nhuận từ việc vận tải, Schneider còn có cơ hội mở rộng tệp khách hàng của mình. Và đây được cho là một thời điểm tuyệt vời, khi mùa mua sắm cuối năm đang cận kề.
Giá thuê tàu container tăng đột biến trong suốt năm nay
Chỉ số giá thuê tàu container của Harper Petersen, 2001-2021
Theo tờ The Journal, hiện Schneider đang hợp tác với hãng tàu Schulte & Bruns Group của Đức để thực hiện vận chuyển các container từ Trung Quốc đến Mỹ với khoản chi phí đắt đỏ. Cùng với sự leo thang của cước vận chuyển biển, thị trường thuê tàu container cũng chứng kiến sự leo thang không kém. Cụ thể, tháng 6/2020, chỉ số giá thuê tàu chỉ ở mức 419, thì con số này đã tăng hơn 9 lần lên mức 3,823 ghi nhận vào tháng 9/2021. Mặc dù giá cao, nhưng các “đại gia” như Schneider vẫn rất chịu chi để làm hài lòng khách hàng của mình.
Được biết, hiện Schneider đang tự thực hiện và kiểm soát đến 84,5% vận hành của hãng liên quan đến việc sử dụng và kiểm soát hiệu quả hoạt động của container và khung xe. Và việc tự thực hiện đặt ra cho Schneider yêu cầu về sự tối ưu hóa và hiệu quả.
Việc thời gian tồn đọng của container tại địa điểm của các khách hàng đang bị kéo dài là một trong những thách thức mà Schneider đang phải hứng chịu. Bên cạnh đó, các mạng lưới liên phương thức bị tắc nghẽn ở Mỹ, đặc biệt những nút thắt cổ chai ở đường sắt đang đẩy nhiều đơn hàng sang vận chuyển bằng đường bộ. Được biết, tình trạng này đã được thiên giảm bớt kể từ tháng 10. Ngoài ra, việc tắc nghẽn ở các cảng với hàng dài các tàu không được cập cảng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân Schneider.
Tuy nhiên, CEO Mark Rourke, vẫn có niềm tin rất lớn về việc hãng có thể vận hành hiệu quả và kiểm soát tốt đội container của mình, để gặt hái lợi nhuận thu được từ sự bùng nổ nhu cầu mua sắm vào năm 2022.
Huyền Trân
ĐỌC THÊM:
Bảng xếp hạng top 25 chuỗi cung ứng 2021 theo Gartner