Gần như tất cả mọi thứ có mặt ở công xưởng đóng tàu ở Mỹ đều có kích thước siêu khủng.
Những con tàu đã được xây dựng và phát triển qua rất nhiều năm, kinh nghiệm đóng tàu vì vậy cũng tăng lên theo thời gian. Có quá nhiều thứ diễn ra ở nơi chế tạo tàu, đến mức mà, dưới những đôi mắt nghiệp dư, sẽ rất khó để chúng ta phân biệt được cái gì đang được rèn, buộc chằng hay hàn điện, hay liệu các bộ phận tàu đang được đặt nằm ngược hay xuôi.
Để hoàn thiện một con tàu, có hơn 100 bộ phận riêng biệt được gắn với nhau, tạo thành một vật thể kim loại khổng lồ có thể nổi trên nước, thực hiện sứ mệnh kết nối giao thương toàn cầu.
Tàu container đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, có trách nhiệm chuyên chở hơn 90% tổng hàng hóa giao dịch trên toàn cầu.
Các xưởng đóng tàu sẽ giúp cho con tàu có đủ khả năng di chuyển. Quy trình xây dựng thường bắt đầu ở phía tây của sân xưởng, nơi những tấm thép mỏng (dài hơn và rộng hơn cả một chiếc xe buýt) nằm thành từng chồng lớn, chờ để được hàn và cắt thành từng mảnh nhỏ hơn. Những mảnh rời đó sau sẽ được tạo hình thành “cột sống” của con tàu.
Ở Mỹ, số lượng công xưởng đóng tàu cùng với số đơn đặt tàu đều giảm đi trong những thập kỷ gần đây, do chịu đựng sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài với mức giá rẻ hơn. Ngày nay, hơn 90% thị phần ngành đóng tàu thuộc về 03 quốc gia châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sở dĩ ngành công nghiệp đóng tàu vẫn tồn tại được ở Mỹ là nhờ vào hỗ trợ của chính quyền liên bang với các đơn đặt đóng tàu “Made in the US” cho tất cả các loại tàu khác nhau, từ tàu hải quan Coast Guard đến tàu sân bay. Ngoài ra, ngành công nghiệp này cũng được bảo hộ bởi bộ luật tồn tại hơn trăm năm nay, The Jones Act, quy định việc vận chuyển con người và hàng hóa giữa các cảng của Mỹ phải được thực hiện bởi các con tàu được xây dựng trong nước và thuộc sở hữu, quản lý của công dân Mỹ.
Sự nhúng tay của chính quyền liên bang Mỹ đã hồi phục lại sức sống cho 124 công xưởng đóng tàu hiện đang hoạt động và đóng góp hơn 37 tỷ đô mỗi năm vào sản lượng kinh tế cũng như tạo ra khoảng 400.000 công việc cho người dân Mỹ.
NASSCO là công xưởng nằm gần trung tâm thành phố San Diego, có kinh nghiệm hoạt động gần 60 năm và trở thành một nhánh của General Dynamics (tập đoàn đa quốc gia hàng không và quốc phòng của Mỹ) vào năm 1998. NASSCO xây dựng tàu thương mại và tàu phục vụ cho quân đội, bao gồm con tàu hải quân như hình dưới đây.
Con tàu đang trong quá trình xây dựng ở ảnh dưới có tên là Matsonia. Bốn năm trước, công ty về giao nhận vận tải Matson đã ký kết hợp đồng trị giá 500 triệu đô với NASSCO để xây dựng 02 con tàu y hệt nhau.
Hai con tàu của Matson được thiết kế để chuyên chở cả container trên boong tàu và ô tô, xe tải ở phần gara của tàu. Matson gọi chúng là những con tàu thuộc “tầng lớp Kanaloa” – ám chỉ vị thần đại dương theo truyền thuyết của người dân Hawaii để thể hiện được mục đích chính yếu của những con tàu này: chở hàng hóa đi và đến quốc đảo Hawaii.
Thực tế, trong thế giới các con tàu container được xây dựng và vận hành, Matsonia được xem là một con tàu nhỏ. Tuy nhiên, kích thước cũng chỉ là một khía cạnh tương đối trong ngành hàng hải. Một khi Matsonia đủ khả năng đi biển (seaworthy), nó sẽ có độ dài tương đương hơn 2 sân bóng đá và có thể chở được hàng nghìn container 20′ cùng 500 xe ô tô và xe tải, hoặc tổng cộng 57.400 tấn hàng hóa.
Thông thường, NASSCO mất khoảng 03 năm để hoàn thiện một con tàu thương mại, trong đó có bao gồm 12 đến 16 tháng để thiết kế và lên kế hoạch chi tiết.
Giai đoạn đầu trong quá trình đóng tàu sẽ tập trung vào việc xây dựng cấu trúc của tàu, theo từng bộ phận riêng biệt. Những tấm thép hình thành và được thiết kế thành từng miếng rời để tạo thành thân tàu. Công nhân xưởng tàu sẽ sơn màu cho từng tấm, trước khi chúng được kết hợp và lắp ráp lại với nhau, cùng với những thiết bị máy móc cần thiết trên tàu như dây cáp và ống tàu. Thỉnh thoảng, các khuôn kim loại sẽ được lật ngược để tạo thuận lợi cho quá trình lắp đặt.
Những mảnh rời sau đó sẽ được lắp vào một khuôn tổng thể và cuối cùng trở thành con tàu hoàn chỉnh.
Tại công xưởng đóng tàu NASSCO, các mảng ghép của một con tàu được vận chuyển giữa các khu vực bằng những chiếc máy cẩu khổng lồ nằm cố định trên một mạng lưới đường ray hoặc bánh xe. Hai cần trục lớn nhất có tên là Logan Lion và Big Dipper (đặt tên bởi hai bạn học sinh tiểu học trong một cuộc thi trước đó) có thể nâng tổng cộng 600 tấn.
Khi con tàu gần như hoàn thiện, nó sẽ được đưa xuống nước, và những công đoạn lắp đặt cuối cùng được thực hiện, đồng thời tất cả các hệ thống trên tàu sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu thuận lợi, con tàu sẽ bắt đầu trở thành một “động cơ” của giao thương toàn cầu.
Matsonia được khởi công xây dựng vào năm 2018, và theo kế hoạch, Matsonia sẽ bắt đầu lướt sóng để chở hàng đến Hawaii trong năm 2020.
Một khi hoàn thành, Matsonia sẽ di chuyển trên tuyến đường dài hơn 200 dặm giữa Mỹ và Hawaii. Hawaii là quốc đảo phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế với 88% tổng lương thực tiêu thụ trong nước đều được nhập khẩu. Theo chuyên gia kinh tế Eugene Tian, mỗi năm, có đến gần 13 triệu tấn hàng hóa cập bến quốc đảo này bằng đường biển, tương đương với 220 chuyến hàng lấp đầy tàu Matsonia.
Ông Tian cho biết: “Vận chuyển đường biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia chúng tôi. Nếu không có giao thương hàng hải, tôi không nghĩ là người dân nơi đây có thể sống sót và du khách sẽ tiếp tục tìm đến mảnh đất này.”
Công xưởng hoạt động 24/24 quanh năm. Những công nhân làm việc ở hai ca đầu tiên trong ngày có trách nhiệm thực hiện hầu hết các công việc xây dựng, vận hành và kiểm định chất lượng. Những nhân lực làm việc ca đêm chủ yếu sẽ phụ trách các nhiệm vụ bảo trì máy móc và di chuyển các tấm rời từ khu vực này sang khu vực khác, đảm bảo quá trình xây dựng sẽ tiếp diễn trong ngày hôm sau.
Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, những công việc tại công xưởng đóng tàu vẫn cứ tiếp diễn…
Ngành đóng tàu được xem là ngành kinh doanh thiết yếu ở Mỹ, cơ bản là do giao thương hàng hải vẫn luôn tiếp diễn và đặc biệt ở Mỹ, ngành công nghiệp này được ràng buộc bởi thỏa thuận với chính quyền liên bang. Cho dù sự hoành hành của Covid19 đã khiến nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa và người dân phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, NASSCO vẫn duy trì hoạt động liên tục với những phương thức đảm bảo sự an toàn và giãn cách xã hội theo quy định.
Các địa điểm làm việc được làm sạch và khử trùng thường xuyên hơn, đồng thời nhiều chỗ rửa tay được dựng lên trên sân đóng tàu. Ngoài ra, công ty phải điều chỉnh một số quy trình để giảm thiểu sự tiếp xúc vật lý giữa các công nhân.
Một số số liệu liên quan đến ngành thương mại đường biển:
Biên dịch: Dandelion