Hiện nay, khung giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết giá dịch vụ xếp dỡ container chỉ bằng 80% so với Campuchia, 70% so với Malaysia, 61% của Indonesia và 46% giá dịch vụ tại cảng biển Singapore.
Theo ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Môi giới và Đại lý hàng hải (VISABA), hiện các hãng tàu đang thu phí THC (khoản phí thu trên mỗi container để bù đắp chi phí cho các hoạt động làm hàng tại cảng) đối với chủ hàng XNK Việt Nam khá cao (114 USD/container 20 feet và 173 USD/container 40 feet) nhưng trả lại cho cảng bằng 30 – 45% mức thu từ khách hàng. Nếu không thay đổi mức giá sàn, hàng năm Việt Nam sẽ mất hàng tỷ USD vào túi của các hãng tàu nước ngoài.
Mới đây, VISABA vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1/7/2021; các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
Mức giá thấp – tính cạnh tranh cao
Việc điều chỉnh mức giá bốc dỡ sẽ giúp cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn tích lũy. Tuy nhiên, khung giá hiện tại lại đang tạo ưu thế cạnh tranh cho hàng hóa, qua đó khẳng định vị thế cho cảng biển Việt Nam. “Nếu giá dịch vụ không cạnh tranh, cảng biển Việt Nam sẽ khó thu hút được hơn 40 hãng tàu nước ngoài đến mở tuyến khai thác. Hàng hóa xuất khẩu nước ta sẽ vẫn phải chịu cảnh chờ đợi tại các cảng trung chuyển. Việc thu hút tàu lớn ra vào cảng biển không chỉ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa mà Nhà nước sẽ thu được khoản phí lệ phí hàng hải và tạo động lực cho cả hệ thống logistics, kho bãi, dịch vụ hậu cần sau cảng phát triển”, ông Sang chia sẻ.
Thay đổi cần quy trình và thời điểm phù hợp
Có thể nói việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển để tương xứng với chất lượng là yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, nội dung điều chỉnh và thời gian ban hành cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm chi phí logistics không gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, việc tăng biểu giá dịch vụ bốc dỡ chưa lường trước hệ lụy các hãng tàu quốc tế sẽ tăng cước vận tải hay các loại phụ phí?.Nếu như vậy, việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Vân Anh