Chợ mạng tăng giá, siêu thị thiếu hàng
Gần 2 tuần trở lại đây, một số người tiêu dùng tại TP.HCM cho biết phải mua một số loại mì gói, miến khô, nui, bột mì, bột năng… trên chợ mạng với giá tăng cao. “Một thùng mì Hảo Hảo bình thường khoảng 100.000 đồng thì nay lên 145.000-160.000 đồng. Miến (hủ tiếu) Phú Hương từ 212.000 đồng lên 290.000 đồng. Chưa kể các loại bột, nui cũng tăng giá 30.000-40.000 đồng” chị Hạnh (TP Thủ Đức) cho biết. Trong khi đó, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tình trạng thiếu hàng, khó mua.
Theo đó, đại diện một số hệ thống thừa nhận gần một tháng nay các loại đậu, bột, mì, hủ tiếu, phở khô, bún khô đều đang có nguy cơ đứt hàng. Đặc biệt là các mặt hàng bột rất khan hiếm, một số nhà cung cấp không đủ lượng hàng cung ứng cho siêu thị.
“Còn một số sản phẩm như mì gói vẫn về hàng nhưng hết rất nhanh trên kệ”, đại diện siêu thị cho hay. Theo đại diện này, nhu cầu tăng cao, các tổ chức và cá nhân mua số lượng lớn để làm từ thiện. Trong khi đó, nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” và nguồn nguyên liệu khó vận chuyển về nhà máy, do đó không thể cung ứng kịp.
Nguy cơ đứt nguồn cung hàng ở TP.HCM
Theo đại diện Công ty TNHH sản xuất bột mì Vimaflour – thương hiệu bột mì Hoa Ngọc Lan – hiện nay công suất sản xuất quá nhỏ nên không thể cung ứng các sản phẩm bột mì vào TP.HCM. Số lượng sản xuất còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường miền Bắc và miền Trung nên lượng bột mì Hoa Ngọc Lan xuất hiện tại thị trường TP.HCM là do các nhà phân phối tự chuyển vào chứ không phải chủ trương của công ty.
Dịch bệnh gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, đi lại khó khăn, chi phí “3 tại chỗ” lớn khiến lượng hàng hóa của CJ Cầu Tre cung ứng cho các siêu thị giảm theo. Ông Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam (doanh nghiệp có thị phần lớn trong ngành mì ăn liền) cũng cho biết thời gian gần đây tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường.
Trong khi đó, đại diện Uniben – đơn vị sở hữu các thương hiệu 3 Miền, Reeva, Boncha và Joco – cho biết công ty này vẫn cố gắng cung cấp đủ lượng hàng hóa với các thương hiệu cho các điểm bán, nhà phân phối, chuỗi siêu thị.
Đề xuất xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia để lưu trữ nông – thủy sản
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho hay, khi dịch Covid-19 lây lan diện rộng, khâu thu hoạch, vận chuyển bị ách tắc thì không chỉ nông dân gặp khó khăn mà các doanh nghiệp cũng rơi vào tình thế thiếu nguyên liệu sản xuất. “Hiện một số mặt hàng nhu yếu phẩm không thiếu là do doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu dự trữ. Sau khi hết nguồn nguyên liệu này thì sẽ ra sao”, bà đặt câu hỏi.
Theo bà Chi, trước những khó khăn này, tất cả doanh nghiệp đều đồng lòng, cố gắng vận hành hết công suất và nỗ lực giữ giá. “Cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn để lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch”, bà đề xuất.
Vân Anh
ĐỌC THÊM:
Trung tâm kho lạnh có dư địa đầu tư lớn mặc dù là phân khúc thị trường ngách