“Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền”
Đây là thông điệp của các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu khi đưa ra để lý giải về các quy định mới. EU đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (tên gọi tắt tiếng Anh là CBAM), áp giá carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu, mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó. Hiện nay Liên minh Châu Âu là tổ chức duy nhất thực hiện cơ chế này.
Ban đầu, cơ chế này sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào EU ở các lĩnh vực sản xuất phát thải lượng carbon lớn gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện nhưng miễn trừ cho một số sản phẩm nhất định như sắt phế liệu hay các loại phân bón không phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất.
Việc áp giá carbon là một trong những chính sách bảo vệ môi trường quan trọng của châu Âu và đã được thương thảo thống nhất từ các nước thành viên của Liên minh vào tháng 12 năm 2022, quy định mới này bắt đầu được thực hiện thí điểm từ ngày 01 tháng 10 năm 2023.
Ngoài ra, theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới thì giá carbon mà các doanh nghiệp trong EU đang phải trả là 75 USD/tấn, đây là mức giá thuộc diện cao nhất thế giới. Để so sánh thì mức giá tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là 18,75 USD; 9,2 USD; 2,3 USD/tấn Carbon. Đây cũng là một trong các lý do EU ra quy định mới để các công ty bên ngoài EU sẽ phải trả mức giá ngang với những gì các doanh nghiệp EU đã phải tuân thủ, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa châu Âu.
Không chỉ áp giá Carbon với sản phẩm, EU cũng sắp ra mắt các quy định mới đối với lượng khí thải do vận chuyển, đặc biệt là đường biển. Theo đó, các doanh nghiệp phải chi trả 40% lượng khí thải vận chuyển khi cập cảng cho đến năm 2024. Và từ năm 2027 sẽ là 100% lượng khí thải vận chuyển.
Các công ty vận tải “lách luật” bằng cách cập cảng ngoài khối EU
Các quốc gia – chủ yếu dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của khối EU – lo ngại rằng các công ty vận tải biển sẽ có thể né tránh việc phải trả giá Carbon bằng cách cho tàu cập bến tại các cảng gần nhưng bên ngoài EU. Điều này sẽ khiến cho các cảng nội địa EU mất một số nguồn thu đáng kể, ảnh hưởng tới kinh tế các nước bờ biển.
Ông Gilberto Fratin, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái của Ý, cho rằng họ cần phải đưa ra các biện pháp khắc phục vì điều này sẽ có những hậu quả tiêu cực lớn đối với khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp EU. Ý cũng kêu gọi Ủy ban Châu Âu – cơ quan quản lý của khối, xem xét các giải pháp khả thi, chẳng hạn như bồi thường tài chính cho các doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ tiêu dùng cho các mặt hàng nhập khẩu. Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp, Síp và Bỉ đều bày tỏ quan ngại tương tự tại cuộc họp của các bộ trưởng môi trường ở Luxembourg ngày 16/10.
Khối EU cân nhắc việc xác định cảng Paid phía Đông của Ai Cập và cảng Tanger Med của Maroc là “các cảng trung chuyển container lân cận” để ngăn chặn việc các công ty vận tải trốn tránh các quy định về carbon của EU. Ngoài ra ông Wopke Hoekstra, ủy viên khí hậu của EU, cho biết họ sẽ giám sát các tác động của quy định mới đến khả năng cạnh tranh, để đưa ra các giải pháp kịp thời.
Nguyễn Thảo